Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

"Bước qua cục bộ", thực hiện từng bước chắn chắn trong triển khai Đề án 06

Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, được chọn làm điểm, làm mẫu trong thực hiện Đề án 06. Thành phố cần hết sức nỗ lực, quyết tâm thực hiện từng bước chắc chắn. Từng sở, ngành phải “bước qua cục bộ”, phối hợp chặt chẽ với nhau, lập nhóm công tác liên ngành để xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh.
Hà Nội ban hành Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống họp trực tuyến Chuyển đổi số phải hành động cụ thể, đẩy mạnh các dịch vụ thiết thực với người dân

Ngày 16/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Quang cảnh buổi làm việc

Tích cực, quyết liệt triển khai

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, sau 9 tháng triển khai Đề án 06, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 06 TP đã ban hành trên 60 văn bản chỉ đạo, tổ chức họp định kỳ hằng tháng để đánh giá kiểm điểm tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ. TP thường xuyên có các văn bản gửi các Bộ, ngành kiến nghị các nội dung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa của việc triển khai Đề án 06, tạo đồng thuận trong triển khai.

Tính đến nay, trên toàn TP đã tiếp nhận và giải quyết hơn 3,4 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; Đối với căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu. TP đã rà soát, làm sạch 3 cấp đối với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỉ lệ 99,5%), thực hiện “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 cho 700.000 trường hợp.

Thành phố hiện đã có 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; Có 503 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; 56.710 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.

TP đã cập nhật thông tin trợ cấp cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 472.096 trường hợp. Trong đó, 440.885 trường hợp đã nhận tiền trợ cấp với tổng số tiền đã phát là 392 tỷ đồng.

Đến nay, công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng 21/25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công TP và Cổng dịch vụ công các Bộ, ngành.

Ngoài 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, TP Hà Nội đang triển khai bảo đảm theo lộ trình đến hết tháng 11/2022, hoàn thành tái cấu trúc và tích hợp 928 dịch vụ công trực tuyến toàn bộ hoặc một phần lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo Kế hoạch của TP; Bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu 70% thủ tục hành chính đủ điều kiện tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra tại UBND phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm,Hà Nội

Tuy nhiên, qua khảo sát, số lượng công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đa số phát sinh tại các quận nội thành, các huyện ngoại thành số lượng này còn hạn chế.

Tâm lý của người dân đối với việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn e ngại và do thói quen của người dân muốn đến tận nơi, muốn được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp. Việc sử dụng các thiết bị thông minh hỗ trợ cho việc thực hiện đối với người cao tuổi còn nhiều hạn chế. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến chưa linh hoạt và đơn giản cũng như việc phát sinh thêm một số chi phí như phí dịch vụ bưu chính, thanh toán trực tuyến.

Về một số khó khăn, vướng mắc, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết: Việc kết nối với các cơ sở dữ liệu/hệ thống dữ liệu của một số bộ, ngành còn vướng mắc, chưa thông suốt. Nhân lực, trang thiết bị phục vụ Đề án 06 còn chậm, chưa kịp thời so với tình hình thực tế, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ phụ trách.

Lộ trình thực hiện số hóa tại bộ phận một cửa cấp sở đang bị chậm do chưa có tính năng số hóa của Hệ thống thông tin một cửa điện tử của thành phố và hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử.

Việc xây dựng và chia sẻ các cơ sở dữ liệu như: Chứng sinh điện tử/báo tử điện tử/khám sức khỏe điện tử/bảo hiểm xã hội/người có công/trẻ em… còn hạn chế và chưa được chú trọng triển khai để tận dụng và hỗ trợ việc giải quyết các dịch vụ công trực tuyến theo đúng lộ trình.

Việc điều chỉnh, thống nhất các trường dữ liệu (dân tộc/quốc tịch) giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thiện dẫn tới việc khai thác còn hạn chế (hiện đang khai thác được 7/20 trường thay vì 9/20 trường dữ liệu) để phục vụ tối đa nhu cầu công dân.

Trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục tái cấu trúc các quy trình, biểu mẫu các dịch vụ công trực tuyến (có kết nối, khai thác dữ liệu dân cư); Nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai giấy chứng sinh điện tử, giấy báo tử điện tử, giấy khám sức khỏe điện tử phục vụ việc kết nối, đơn giản hóa trong quá trình triển khai các dịch vụ công thiết yếu có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. TP tiếp tục rà soát, bố trí kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc

Cán bộ, viên chức dành thời gian xuống với người dân

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ quản lý, điều hành của Nhà nước sẽ thay đổi toàn bộ quy trình, thủ tục và nhất là thói quen, tư duy người đứng đầu, “đòi hỏi phải gương mẫu từ trên xuống, từ trong ra”.

“Việc triển khai Đề án 06 phải rất thiết thực. Đây là hệ thống rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải rất quyết tâm, trước hết vượt qua tư duy cục bộ của các Bộ, ngành, những vướng mắc về pháp luật, quán triệt nguyên tắc dùng chung cơ sở dữ liệu”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, được chọn làm điểm, làm mẫu trong thực hiện Đề án 06. Thành phố cần hết sức nỗ lực, quyết tâm thực hiện từng bước chắc chắn. Từng Sở, ngành phải “bước qua cục bộ”, phối hợp chặt chẽ với nhau, lập nhóm công tác liên ngành để xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh.

Lấy ví dụ về quy trình cấp định danh điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gợi mở cách làm mới để người dân không phải đến cơ quan Công an.

Trên tinh thần đó, các Bộ, ngành, phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội, nghiêm túc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn để người dân “giảm thời gian, chi phí, bớt đi lại” khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công. Đồng thời, cán bộ, viên chức có thời gian, có điều kiện xuống với người dân nhiều hơn...

Tú Linh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động