Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ công khai dữ liệu để hạn chế bằng giả
Sáng 6/1, hội nghị triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Nghị định 99) diễn ra tại 6 đầu cầu trên toàn quốc.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định các trường đại học chất lượng kém sẽ tự bị đào thải.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng chất lượng là cái đích các trường đại học hướng tới. Ảnh: Kim Hiền. |
Trường đại học kém có thể bị đóng cửa
- Luật Giáo dục Đại học (Nghị định 99) đã mở quyền tự chủ cao cho các trường. Tuy nhiên, làm thế nào để đơn vị quản lý giám sát chất lượng của các trường trong điều kiện tự chủ, thưa Bộ trưởng?
- Thứ nhất, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Nghị định 99) mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học rất lớn, đồng thời gắn trách nhiệm với giải trình.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật Giáo dục sửa đổi một số điều, trong đó ghi rất rõ chuẩn giáo viên, đảm bảo chương trình đào tạo và đầu ra.
Các mức chuẩn này phải được công khai, minh bạch qua các cơ sở dữ liệu.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng để các trường đại học tuân thủ, không được tự ban hành mà phải theo mức độ chuẩn chung do Bộ GD&ĐT và luật quy định.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT đang tăng cường kiểm định và kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện điều kiện đảm bảo chất lượng để công khai cho xã hội. Đặc biệt, phụ huynh và học sinh cần biết trường nào chất lượng thật, năng lực đến đâu, cơ sở nào chất lượng không đảm bảo.
Chất lượng là cái đích các trường cần hướng tới. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần tạo luật chơi, giám sát, công khai, xử phạt mạnh đơn vị thực hiện sai, khuyến khích và tạo điều kiện tốt cho trường tạo nên sự cạnh tranh minh bạch và bình đẳng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Trường đại học tốt sẽ thu hút người quan tâm. Trường chất lượng kém, không tuân thủ quy định chắc chắn sẽ giảm số lượng sinh viên đăng ký học, thậm chí nhiều khả năng bị đóng cửa.
Với các trường vi phạm, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp Bộ Công an xử lý nghiêm khắc. Vừa qua, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Công an xử lý nghiêm việc thực hiện đào tạo văn bằng hai kém chất lượng của một số trường.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng, công khai để các cơ quan giám sát. Ví dụ về văn bằng, các trường phải công khai cơ sở dữ liệu. Người sử dụng lao động hay ai quan tâm đều có thể truy cập dữ liệu này, biết được sinh viên có theo học hay không, học thế nào, ngăn chặn cơ bản việc sử dụng bằng giả.
Điều này thể hiện rõ trách nhiệm giải trình cao. Đặc biệt, các trường năng lực tự chủ thấp nhưng lạm dụng quyền này sẽ bị siết chặt chất lượng.
- Với các trường chất lượng kém, Bộ GD&ĐT sẽ có cơ chế quản lý, xử phạt như thế nào?
- Tới đây, Bộ GD&ĐT tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 138 về xử phạt hành chính các trường và đơn vị vi phạm trong quản lý chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang rà soát, xây dựng các văn bản liên quan quy chế đào tạo theo tinh thần của Luật 34 và Nghị định 99 về: Quy chế tuyển sinh theo tinh thần tự chủ gắn trách hiệm giải trình, đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Bốn quy chế đào tạo này sẽ giúp bỏ những quy định có tính chất hành chính, tạo nên hệ thống hành lang pháp lý mạch lạc.
Chất lượng là cái đích các trường cần hướng tới. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần tạo luật chơi, giám sát, công khai, xử phạt mạnh đơn vị thực hiện sai, khuyến khích và tạo điều kiện tốt cho trường tạo nên sự cạnh tranh minh bạch và bình đẳng. Trường đại học chất lượng kém sẽ tự bị thị trường đào thải hoặc bắt buộc phải đổi mới.
Chủ tịch hội đồng trường phải am hiểu, trách nhiệm
- Trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, Hội đồng trường có vai trò rất quan trọng. Làm thế nào để Hội đồng trường hoạt động thực chất, cân bằng, thưa ông?
- Luật 34 và Nghị định 99 nhấn mạnh về thực quyền của Hội đồng trường. Khị thực hiện tự chủ, Hội đồng trường phải là đại diện của cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động của trường, tránh lạm quyền của hiệu trưởng hoặc một số đơn vị.
Hội đồng trường trước kia có thể hình thức nhưng hiện tại phải có thực quyền nên các đơn vị thay đổi nhận thức. Cần nâng cao nhận thức, hành động của các đơn vị, trong đó chủ tịch hội đồng trường phải có vai trò, quyết định những quyết sách lớn, chứ không phải đơn vị thông qua của hiệu trưởng.
Trong cơ chế của hội đồng trường, thành viên mở rộng cần chọn người có am hiểu, tâm huyết, trách nhiệm để bầu ra chủ tịch hội đồng trường. Chủ tịch chuyên trách phải là người đủ năng lực và trách nhiệm, quy định rõ trong Luật 34 và Nghị định 99.
Theo tinh thần của Nghị quyết 99 Trung ương, Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy trường sẽ kiêm chủ tịch hội đồng trường. Để hội đồng trường có thực quyền, phải xây dựng quy chế tổ chức hoạt động, trách nhiệm và quyền hạn thực hiện các quy chế đó.
Quy chế xây dựng cần có chất lượng, phản ánh đúng thực quyền của hội đồng trường. Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản trị cho hội đồng trường để bồi dưỡng, am hiểu về quản trị đại học, có năng lực tư vấn.
Đây là thách thức lớn khi hội đồng trường sẽ có quyền quyết định những vấn đề lớn theo cơ chế tập thể, dân chủ, công khai, giám sát chứ không phải hiệu trưởng.
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học cần quán triệt sâu cho cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động trong đơn vị mình để hiểu rõ Luật 34 và Nghị định 99, cũng như quyền, trách nhiệm của đơn vị mình, của từng cá nhân. Tự chủ không phải chỉ với cơ sở giáo dục đại học mà phải ngấm đến từng bộ phận, giảng viên viên.
Bộ GD&ĐT, các cơ quan chủ quản, sẽ tập trung quản lý, không can dự sâu vào công tác điều hành của các trường bằng biện pháp hành chính. Cùng đó là trách nhiệm giám sát, kiểm tra của địa phương trên địa bàn quản lý cơ sở giáo dục đại học.
Các cơ quan, tổ chức liên quan cũng phải vào cuộc, chịu trách nhiệm theo phân công. Nhưng trước hết, vẫn phải là là trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.
Tôi tin 2020 là năm bản lề giáo dục đại học thực hiện Luật 34, Nghị định 99, để giai đoạn 2021-2025 sẽ có những đột phá.