Bổ sung nhiệm vụ cho Công an xã: Cần thiết nhưng phải có lộ trình thực hiện
Bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh tin báo tố giác tội phạm cho công an xã |
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ hai, sáng nay 25/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).
Quang cảnh phiên thảo luận |
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 146 BLTTHS: Bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã (như đối với Công an phường, thị trấn, đồn công an).
Theo Đại tá Nguyễn Tiến Nam (Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình), việc bổ sung nhiệm vụ cho công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, là hết sức cần thiết, phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng Công an Nhân dân và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Hiện nay 100% xã được bố trí Công an chính quy, trong đó có trên 50% có trình độ đại học, gần 22% từng công tác tại các đội điều tra công an cấp huyện, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan đến công tác điều tra hình sự. Do đó, đại biểu khẳng định nhân lực của Công an xã rất lớn, đủ khả năng đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tương đương với Công an phường, thị trấn.
“Thời gian qua, công an xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở cơ sở. Vì vậy việc bổ sung nhiệm vụ này là cần thiết, đúng đắn, hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này cho Công an xã”, đại biểu Nguyễn Tiến Nam nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng nhấn mạnh, hiện nay Công an xã ở Lâm Đồng được chính quy 100% địa bàn và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quyền hạn theo Luật Công an Nhân dân. Việc bổ sung bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã là không mâu thuẫn với quy định của luật Công an Nhân dân.
Cho rằng việc sửa đổi quy định trên là cần thiết để phù hợp với vai trò, vị trí của Công an xã chính quy đã được thiết lập song đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) băn khoăn về thời điểm sửa đổi dự án Luật theo trình tự rút gọn vì đây là quy định mới, cần được xem xét, đánh giá đầy đủ theo trình tự xây dựng Luật thông thường.
Theo đại biểu, lực lượng Công an xã chính quy mới được thiết lập và thực hiện rất nhiều việc ở cấp xã, mỗi người có nghiệp vụ chuyên môn khác nhau, nghiệp vụ không đồng đều, được đào tạo khác nhau nên việc giao thêm nhiệm vụ mới cần xem xét, đánh giá kỹ về năng lực cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo tính khả thi.
“Thậm chí nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay thì cần có lộ trình thực hiện về đào tạo, tập huấn cán bộ, trang bị cơ sở vật chất. Do đó, quy định bổ sung trách nhiệm cho Công an xã tại dự thảo luật theo trình tự rút gọn mà được thông qua và có hiệu lực ngay thì tôi thấy cần nghiên cứu lại”, đại biểu Đoàn Thị Lê An nêu quan điểm.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh |
Giơ biển tranh luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đề nghị Bộ Công an giải trình, tính toán về số lượng con người, khả năng chuyên môn của công an xã và các điều kiện cần thiết khác. Vì theo Luật Công an Nhân dân, số lượng Công an xã chỉ khoảng 3-5 người, trong khi Công an phường có hàng trăm nhân lực mới có thể đảm nhận được nhiệm vụ này trong thời gian qua.
“Chúng ta có hàng chục nghìn xã nhưng chỉ cần vài nơi, vài người thực hiện không tốt thì dư luận sẽ quan tâm ngay và có thể gây ảnh hưởng rất lớn”, ông Đỗ Ngọc Thịnh bày tỏ đồng tình chủ trương nhưng đề nghị chuẩn bị thêm các điều kiện khác.
Phát biểu giải trình, tiếp thu về vấn đề này, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định Công an xã tăng cường lực lượng chính quy và về năng lực chuyên môn có thể đáp ứng yêu cầu. Việc bổ sung nhiệm vụ nhằm phát huy năng lực và nguồn lực ở cơ sở, Công an xã làm tốt thì giảm áp lực cho công an huyện hiện đang quá tải.
“Dịch bệnh tác động đời sống xã hội phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có tình hình tội phạm. Việc tăng cường ở cơ sở đảm bảo giải quyết ngay vấn đề phát sinh, đảm bảo an ninh trật tự cả trước mắt và lâu dài”, ông Lê Minh Trí nói.
Trước băn khoăn của đại biểu về năng lực của lực lượng Công an xã, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng so với trước kia đã có chuyển biến nhiều, song cần quan tâm hơn, nhất là về đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, khi Công an xã được bổ sung thêm trách nhiệm thì Viện kiểm sát Nhân dân cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm sát chặt chẽ hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định.