Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa, giáo viên, học sinh nói gì?
Hàng nghìn giáo viên ở Hà Nội thi tuyển viên chức bị "câu giờ" Xuất hiện mã đề thi “vòng quanh thế giới” khiến lũ học trò “câm nín” Cần chuẩn bị gì để thi THPT quốc gia trên máy tính? |
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết Bộ sẽ không xây dựng và công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.
Lý do được đại diện Bộ GD&ĐT đưa ra là bởi việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cơ bản được giữ ổn định như năm 2019.
Theo lãnh đạo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, thí sinh và các nhà trường có thể tham khảo đề thi chính thức và đề thi minh họa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 để biết cách thức ra đề và có hướng ôn thi phù hợp.
Vẫn thích có đề minh họa?
Về vấn đề này, cô Đình Thị Thủy, giáo viên dạy Văn trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội cho rằng, giáo viên và học sinh vẫn thích có đề minh họa của cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Sở dĩ như vậy vì học sinh có thể dựa vào đó để ôn tập cho đúng hướng và chính xác.
Bộ GD&ĐT không xây dựng và công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. |
Việc năm nay Bộ không xây dựng và công bố đề thi minh họa cho kỳ thi này khiến giáo viên và học sinh vẫn ôn thi bình thường và thậm chí xác định ôn thi nhiều kiểu bài.
“Đúng là nếu theo lý thuyết không ra đề minh họa thì học sinh phải có kĩ năng gải quyết các loại đề. Chả hiểu đề thi sang năm sẽ như thế nào”- Cô Thủy nêu quan điểm.
Cô Thủy cho rằng, đề thi môn Văn của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 khá cơ bản, học sinh đều có thể làm được điểm trung bình. Tuy nhiên, chính giáo viên cũng có cảm khác khó bám vào đề minh họa. Vì theo như năm ngoái, đề minh họa hai chi tiết trong một tác phẩm thì đến khi thi thật lại cho cảm nhận một đoạn văn.
“Giờ giáo viên và học sinh xác định tinh thần phải ôn kĩ nhiều dạng bài. Vì Bộ GD&ĐT nói là tham khảo đề minh họa chứ đề đó không phải là đề thi thật được”- cô Thủy nói.
Em Nguyễn Thị Vân Anh (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, em đang ôn thi để vào ngành Kiến trúc , Mỹ thuật, vì không có đề minh họa nên em khá lo lắng vì thầy cô giờ bắt ôn luyện tất cả các kiến thức.
Một mặt vừa ôn thêm vẽ ở nhà thầy cô, em học thêm các môn Toán, Văn một tuần em có 4-5 buổi phải học ở trung tâm ôn luyện thi có tiếng ở khu đại học sư phạm Hà Nội.
“Nếu mọi năm đi ôn học sinh được khoanh vùng nhưng năm nay giáo viên cứ cho ôn tập tất cả, tránh bị hổng kiến thức. Điều này khiến cho học sinh quá tải”- Vân Anh chia sẻ.
Em Đỗ Thùy Linh (Hà Nội) thi vào ban D năm 2020 cho biết, không có đề thi minh họa em “hơi chán” vì phải học tất cả kiến thức.
“Vẫn biết đề minh họa không phải là đề thi thật nhưng nếu có thì vẫn khiến học sinh yên tâm ôn và chính giáo viên sẽ có hướng ôn tập hiệu quả cho học sinh. Bộ GD&ĐT nói dựa vào đề minh họa năm 2019 để ôn tập, vậy đề thi năm 2020 sẽ không thay đổi và cải tiến gì thêm sao?”- Linh nói.
Có đề minh họa sẽ ôn tập hiệu quả hơn?
Thạc sĩ Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên môn Địa lý, TP.HCM cho rằng, năm nay Bộ GD&ĐT không ra đề minh họa cũng được vì từ 2015 đã thi theo hướng trắc nghiệm và đều đã có đề minh họa. Tuy nhiên, hướng cải tiến, sự thay đổi đề thi thì Bộ phải phổ biến cho giáo viên ôn tập cho học sinh.
“Nếu không có sự phổ biến nữa thì làm khó cho giáo viên và học sinh phải phỏng đoán", thạc sĩ Hiệp nêu quan điểm.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên môn Sử của trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM cho rằng, học sinh và giáo viên mong mỏi Bộ sẽ xây dựng và công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.
Cô Thảo cho rằng bộ công bố đề thi minh họa sẽ biết giáo viên có định hướng để biết hướng giảng dạy. Dù sao đối với học sinh thì đây là kỳ thi quan trọng. Nắm được đề minh họa sẽ ổn định tâm lý và lên phương án học và ôn tập cho hiệu quả.
Cũng theo cô Thảo, theo lộ trình năm vừa rồi thì thi môn Sử kỳ thi THPT quốc gia sẽ có chương trình lớp 10. Nhưng riêng môn Sử năm ngoái bản minh hoạ và đề thi không có lớp 10. Nếu ôn tập như năm trước thì sẽ không có lượng kiến thức lớp 10, học sinh cũng giảm bớt một lượng kiến thức.
“Năm vừa qua đề thi Sử là vừa sức và phân loại tốt. Học sinh xét tốt nghiệp thì 5 điểm là đạt. Nhưng điểm sàn môn Sử năm ngoái là 4.3. Theo tôi, nếu điều chỉnh sao cho sàn điểm môn Lịch sử lên 5.0 là đẹp. Còn độ khó như vậy để phân loại top điểm cao là được. Chứ đề Lịch sử dễ như 2017 lại khó cho phân loại. Như thế này học sinh đành ôn tập vẫn như cũ thôi", cô Thảo nêu quan điểm.