Bộ Công Thương muốn có cơ chế đặc thù giải cứu điện mặt trời

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc đầu tư lưới điện truyền tải phải mất nhiều năm trong khi đầu tư dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng vài tháng.
Nông thôn đua nhau lắp điện mặt trời Cánh đồng điện mặt trời hơn 12.000 tỷ đồng ở hồ Dầu Tiếng

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, các dự án điện mặt trời ở Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh có tiềm năng lớn như Ninh Thuận, Bình Thuận.

Cùng với đó, việc phê duyệt, bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện lực tỉnh chưa liên kết được với quy hoạch điện lực quốc gia (các dự án lưới truyền tải 220 – 500 kV thuộc quy hoạch điện lực quốc gia), dẫn tới tình trạng quá tải lưới điện ở một số địa phương.

bo cong thuong muon co co che dac thu giai cuu dien mat troi
Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2. Ảnh: EVN.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trong quá trình xây dựng, thẩm định quy hoạch, Bộ Công Thương đã nhận thấy thực trạng này. Vì vậy, trong các quyết định bổ sung quy hoạch cũng nêu rõ: Trường hợp lưới truyền tải chưa đáp ứng kịp, các dự án năng lượng tái tạo phải giảm công suất phát để đảm bảo an toàn hệ thống điện.

Ngay sau khi phê duyệt các quy hoạch bổ sung, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo. Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung các dự án lưới điện truyền tải vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng lưới truyền tải 220-500 kV cần nhiều thời gian (ít nhất là 2 năm đối với dự án 220 kV và 3 năm đối với dự án 500 kV), còn các dự án điện mặt trời chỉ thực hiện trong khoảng 6 tháng. Do đó, lưới truyền tải không theo kịp tiến độ các nhà máy điện mặt trời.

Đó là chưa kể, việc triển khai các dự án lưới điện giải tỏa công suất năng lượng tái tạo cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật quy hoạch, cũng như trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4/7, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, mà chủ yếu là điện mặt trời trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng đã có tờ trình Chính phủ bổ sung quy hoạch tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh, xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, các trạm 500kV, đường dây 500kV, mạch kép và các đường dây 220kV, các nhánh rẽ...

Dự kiến sẽ có thêm nhiều công trình được đầu tư vào cuối 2019 và đầu năm 2020. Với các dự án này, hi vọng có thể cơ bản đáp ứng công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió trong những năm tới.

Ông Bùi Quốc Hùng cho biết, việc đầu tư triển khai xây dựng các đường dây này còn gặp nhiều khó khăn như: vốn đầu tư, thời gian thi công, đền bù giải phóng mặt bằng... Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương thực hiện tiến độ các dự án đường dây đi vào vận hành; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế xã hội hóa, tư nhân với đầu tư đường dây truyền tải, để đáp ứng tiến độ, giảm áp lực đầu tư, đáp ứng các dự án điện mặt trời, điện gió đi vào vận hành.

Theo báo cáo của EVN, tính đến thời điểm 30/6/2019 đã có 82 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464 MW được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia kiểm tra điều kiện và đóng điện thành công. Các dự án này được hưởng mức giá mua điện tương đương 9,35 Uscent/kWh, trong thời gian 20 năm theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong số đó, có 72 nhà máy điện mặt trời thuộc quyền điều khiển của cấp Điều độ Quốc gia (A0) với tổng công suất 4.189 MW; 10 nhà máy điện thuộc quyền điều khiển của các cấp điều độ miền với tổng công suất 275 MW.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2019, A0 sẽ tiếp tục đóng điện đưa vào vận hành thêm 13 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất 630 MW, nâng tổng số nhà máy điện mặt trời trong toàn hệ thống lên 95 nhà máy.

Theo EVN, dù là sự bổ sung quý giá đối với hệ thống trong điều kiện nguồn điện đang khó khăn, nhưng một số lượng lớn các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong thời gian ngắn đã và đang gây không ít khó khăn, thách thức cho công tác vận hành hệ thống điện. Nguyên nhân là do tính chất bất định, phụ thuộc vào thời tiết của loại hình nguồn điện này.

Bên cạnh đó, việc phát triển nóng và ồ ạt các dự án điện mặt trời tập trung tại một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk đã gây ra hiện tượng quá tải lưới 110 kV, 220 kV tại các khu vực trên.

Đươc biết, ngày 3/7 vừa qua, EVN cũng đã tổ chức cuộc họp khẩn với nhà đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió của hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận để bàn cách tháo gỡ những khó khăn cho các dự án điện mặt trời.

Theo đó, EVN phấn đấu bằng mọi cách sẽ giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời vào cuối năm 2020 và trong 2 năm tới, EVN sẽ bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư lưới, nhằm ưu tiên tối đa giảm việc yêu cầu các dự án điện mặt trời giảm công suất phát.

Văn Huy
Phiên bản di động