Bộ Công Thương khẳng định sẽ "cứu" Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Ngày 14/2, tháp tùng Thủ tướng làm việc với tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải cứu Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Công Thương thì để làm được điều đó thì cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, với các Bộ, ngành liên quan và địa phương.
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một Dự án lớn, có công suất 1.200 MW. Dự án này do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư, hiện mới đạt khoảng 83% khối lượng, tiến độ. "Không có lí do gì mà chúng ta lại để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực đầu tư lớn như vậy, nhất là khi dự án có điều kiện để hoàn thành", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất trong tháng 3/2019, Bộ Công Thương sẽ cử Đoàn công tác của Bộ về làm việc cụ thể với địa phương về những vấn đề phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh liên quan đến lĩnh vực Công Thương, trong đó có nội dung liên quan đến Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Công Thương trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để có hướng xử lý vướng mắc của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thời gian tới. Dự kiến năm 2020, nhà máy này được khánh thành.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có vốn đầu tư lên tới 41.000 tỷ đồng sau nhiều lần điều chỉnh. Hiện tại, dự án đã giải ngân được trên 31.000 tỷ đồng đạt khoản 82%. Theo PVN, đến năm 2020 dự án này mới có khả năng hoàn thành và mặc dù vậy, với mốc mới này (kế hoạch vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017, tổ máy 2 vào năm 2018), dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm tiến độ 55-57 tháng.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét các kiến nghị của PVN đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó chỉ ra dự án này vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc.
Theo Bộ Công Thương, những yếu kém, vướng mắc gặp phải do nguyên nhân cơ bản là Tổng thầu Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) chưa có kinh nghiệm làm nhà máy nhiệt điện than, năng lực tài chính lại kém.
Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 6/2020 (tổ máy số 1) và tháng 10/2020 (tổ máy số 2), miễn phạt hợp đồng do chậm tiến độ ... Bộ Công Thương cho rằng, PVN nên báo cáo Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Trường hợp PVC tiếp tục được giao thực hiện dự án, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho phép bộ này chủ động cân đối tiến độ vận hành nhà máy trong quy hoạch điện VII sang tháng 6 và tháng 10/2020.
Trong khi đó, theo kiến nghị của PVN, tập đoàn muốn được sử dụng 2.500 tỷ đồng từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 và lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh của tập đoàn để tập trung nguồn lực hoàn thành dự án. Vì đây là nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại PVN, nên Bộ Công Thương cho rằng, kiến nghị này cần được Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét.