Bệnh viện Bạch Mai bị người bán trà thảo dược mạo danh
Mới đây, một người phụ nữ thấy fanpage Khoa Tiêu Hóa - Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội có đăng status trên Facebook tặng 3.000 hộp trà thảo dược trị bệnh miễn phí.
Thông tin Fanpage này quảng cáo là “Nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa của bệnh viện Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ 5 ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu…thì nhanh tay nhấn “đăng ký” để được hỗ trợ. Lưu ý: Bà con không bị đau dạ dày hoặc đã nhận hỗ trợ từ lần trước vui lòng không đăng ký để nhường cơ hội cho người thực sự cần”.
Status mạo danh Khoa tiêu hóa - BV Bạch Mai Hà Nội được chạy quảng cáo để đánh lừa người bệnh |
Đang là bệnh nhân dạ dày, lại tưởng chương trình của Khoa tiêu hóa bệnh viện nên chị vội đăng ký và để lại số điện thoại. Sau đó, chị nhận được 2 cuộc điện thoại. Một cuộc của một người tự xưng là bác sĩ của khoa Tiêu hóa - BV Bạch Mai để xác nhận lại thông tin. Một cuộc khác, có người tự xưng là nhân viên của Khoa Dược - BV Bạch Mai hỏi địa chỉ để ship trà đến cho chị và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.
Rất may mắn, chị nghi ngờ nên nhắn tin hỏi lại vào fanpage Phòng Công Tác Xã Hội - Bệnh Viện Bạch Mai và được xác nhận lại là bệnh viện này không hề có chương trình tặng quà nói trên.
TS.BS.Vũ Trường Khanh, trưởng Khoa Tiêu hóa - BV Bạch Mai khẳng định thêm rằng: “Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và Khoa cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang”.
Qua đây, BS Khanh cũng khuyến cáo hiện nay tình trạng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, đơn vị y tế uy tín để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và lừa đảo người dân trên mạng internet rất phổ biến. Do đó, bà con cần nâng cao cảnh giác và không tin vào những lời quảng cáo có cánh để rồi tiền mất tật mang. Nếu có bệnh, bà con nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Hiện tại Fanpage giả mạo này vẫn đang tồn tại |
Hiện tại Fanpage giả mạo Khoa Tiêu Hóa - Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội vẫn tồn tại nhưng tặng 3.000 gói trà thảo dược đã bị xóa. Thay vào đó, bài ghim là một bài về cây cỏ chữa bệnh dạ dày và khuyến khích người khác để lại số điện thoại để được tư vấn.
Không chỉ bệnh viện Bạch Mai bị giả mạo mà hàng loạt đơn vị khác như bệnh viện 108, Học viện Quân y và nhiều bác sĩ đều bị những người bán hàng online "mượn danh", tự ý lấy hình ảnh gắn vào bài viết, sản phẩm, chạy quảng cáo để bán hàng.
Dấu hiệu nhận biết thông tin giả mạo bệnh viện trên Fanpage: - Trang không có tích xanh. Hiện tại một số bệnh viện đã đăng ký Fanpage với dấu tích xanh cùng Facebook như BV 108. Một số bệnh viện khác vẫn chưa đăng ký dấu hiệu chính chủ này nên người dân cần dựa thêm vào các dấu hiệu dưới đây để phân biệt: - Fanpage giả mạo chỉ đăng thông tin về bệnh, các chủ đề theo xu hướng mới nhất, xen kẽ là các bài khuyến khích người bệnh để lại thông tin cá nhân, số điện thoại để tư vấn. Không có thông tin về hoạt động chung của bệnh viện, không để link về website chính thức của bệnh viện. Fanpage thật của bệnh viện sẽ đa dạng nhiều thông tin, đặc biệt là các thông tin về hoạt động của bệnh viện, có ảnh người thật, việc thật. Đồng thời có các bài viết, link bài dẫn về website chính thức của bệnh viện. - Các bài viết tặng quà chạy quảng cáo: Fanpage giả mạo thường đăng các thông tin tặng quà hấp dẫn và chạy quảng cáo để lấy được nhiều số điện thoại nhất. Nếu người dùng mắc mưu để lại số điện thoại, sẽ có người liên hệ để tặng quà, yêu cầu chuẩn bị tiền trả ship/hỗ trợ (dù quảng cáo là quà miễn phí) hoặc giấu thông tin này đi. Trong khi đó, Fanpage bệnh viện sẽ chỉ đưa thông tin về hoạt động xã hội, từ thiện, nhân ái... đã diễn ra hoặc các buổi sinh hoạt, tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí... tại địa chỉ cụ thể là chính bệnh viện đó. Các bệnh viện luôn có website chính thức rất dễ tìm thông qua Google với số đường dây nóng cụ thể. Người dân khi nghi ngờ thông tin mạo danh, giả mạo bán hàng có thể tìm và gọi tới hotline này để xác nhận lại. |