Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngừng tim, hôn mê sâu do sốt xuất huyết

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, hôn mê sâu, da môi tím tái. Dù được cấp cứu tuần hoàn trở lại, nhưng sau đó bệnh nhân đã không thể qua khỏi do diễn biến nặng. Dịch sốt xuất huyết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại miền Trung cũng như cả nước.
Quảng Nam: Thiếu vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân Phun hóa chất diệt muỗi có "chống" được sốt xuất huyết? Phát hiện ca lây nhiễm sốt xuất huyết qua đường tình dục đầu tiên

Trước đó, sáng ngày 12/11, bệnh nhân T.Đ.Q (SN 1967, trú tại phường Đông Lễ, TP Đông Hà) nhập viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, hôn mê sâu, da môi tím tái. Tuy nhiên, qua tiếp xúc da vẫn còn ấm nên Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị tiến hành cấp cứu, hồi sức tích cực, sau đó bệnh nhân Q. có mạch, huyết áp trở lại.

Tiếp tục một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân thì ghi nhận bệnh nhân Q. bị suy chức năng đa phủ tạng. Qua test nhanh và làm công thức máu phát hiện bệnh nhân Q. có dấu hiệu của bệnh SXH nên bệnh viện đã xử trí, điều trị theo hướng SXH. Tuy nhiên, do diễn biến bệnh của ông Q. ngày càng nặng nên đã tử vong ngay trong ngày 12/11.

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, qua khai thác người nhà bệnh nhân Q. được biết ông đã ốm 4-5 ngày nhưng chỉ ở nhà, không đến cơ sở y tế điều trị. Khi người nhà phát hiện ông Q. giảm tri giác mới cấp tốc đưa đến bệnh viện.

Từ đầu năm đến nay Quảng Trị ghi nhận 5.010 trường hợp mắc bệnh SXH. Tình hình bệnh sốt xuất huyết bùng phát và diễn biến phức tạp như hiện nay, Sở Y tế Quảng Trị khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt hay đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Tại Đà Nẵng, bệnh sốt xuất huyết diễn biến vô cùng phức tạp và đang ở mức báo động, toàn thành phố ghi nhận 6.671 ca bệnh, tăng gấp 2 gần so với cùng kỳ năm 2018.

Nếu như vài tháng trước, các ổ dịch sốt xuất huyết tập trung ở các quận, huyện như Thanh Khê, Hòa Vang, Hải Châu thì nay số ca mắc sốt xuất huyết đã rải đều ở các quận, huyện trên toàn thành phố với hơn 700 ổ dịch.

Đà Nẵng phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng dịch tăng cao và diễn biến phức tạp vẫn là do điều kiện thời tiết, đang ở lúc giao mùa.

Các ca nặng đều được các cơ sở y tế khuyến cáo đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản Nhi.

Hiện tại, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, tại Khoa y học nhiệt đới của bệnh viện đã quá tải lượng bệnh nhân đến điều trị. Trong Khoa Y học nhiệt đới, các bệnh nhân đã phải nằm ghép giường trong nhiều tháng qua. Số ca điều trị tại khoa thường duy trì ở mức hơn 200 ca.

Bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đà Nẵng

Trong số này có hơn 30% được chuyển viện từ tuyến dưới, từ các bệnh viện thuộc các tỉnh thành lân cận. Khoa Y học nhiệt đới phải tăng cường thêm cơ số giường, huy động, tăng cường các y, bác sĩ để đáp ứng nhu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nặng tại khoa chiếm khoảng 5,5% tổng số ca bệnh.

“Hiện tại Đà Nẵng đang vào mùa mưa nhưng thời tiết lại chưa lạnh, chính là thời điểm phù hợp để bọ gậy, muỗi phát triển và lây lan dịch bệnh. Vì vậy người dân nên chủ động, tự giác thực hiện mỗi tuần 2 lần dọn vệ sinh và diệt lăng quăng, bọ gậy ngay tại nhà, trong khu dân cư, góp phần không chế dịch. Không có muỗi là không có sốt xuất huyết”, bác sĩ Đặng Quang Ánh, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng khuyến cáo.

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động