Bất ổn tại Mỹ dưới góc nhìn của giới chức và truyền thông thế giới
Truyền thông Séc ca ngợi cộng đồng người Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 ‘Bombshell’ - bê bối tình dục tại kênh truyền thông hàng đầu nước Mỹ |
Biểu tình tại Mỹ sau cái chết của George Floyd được báo chí nước ngoài đưa tin đậm. Ảnh: Newseum |
Nước Mỹ chiếm đến gần 1/3 số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu. Vụ cảnh sát Minneapolis giết hại người đàn ông da màu George Floyd đã tạo ra làn sóng biểu tình, bất ổn tại nhiều thành phố lớn. Thay vì đoàn kết để đối mặt với khó khăn và thảm kịch, nước Mỹ lại phải đối diện với sự chia rẽ ngày một lớn. Trong tình thế đó, giới quan sát trên thế giới nhìn nhận nước Mỹ ra sao?
Lần lượt các báo ở đồng loạt các nước tràn ngập hình ảnh về người biểu tình tại các thành phố lớn tại Mỹ, một số đăng cả hình các đám cháy. “Biểu tình và cướp bóc ở khắp nước Mỹ” - đó là dòng title trên tờ Clarin, tờ báo lớn nhất của Argentina.
Folha de Sao Paolo – một tờ báo lớn ở Brazil viết “biểu tình chống phân biệt chủng tộc” đã phát triển thành “đàn áp và man rợ”.
Tờ Diaro 24 giờ của Mexico đăng hình ảnh nổi bật từ Nhà Trắng với dòng chú thích “Nỗi tức giận chống phân biệt chủng tộc tại cánh Cổng Nhà Trắng”.
Phản ứng của truyền thông và dư luận phương Tây cũng không khác mấy. “Cướp bóc, đụng độ và giới nghiêm: Nước Mỹ giữa thời chiến” là cách tờ La Stampa tại Italy giật tít, đập ngay vào mắt độc giả. Còn tờ West Australia (Australia) chọn cách đặt tiêu đề “Nước Mỹ ở cuộc chiến với chính mình”.
Nhiều cuộc tuần hành với biểu ngữ “Vì quyền sống của người da màu” (Black Lives Matter) diễn ra ở nhiều thành phố lớn ở châu Âu, Bắc Mỹ, nổi bật là ở London, Berlin và Toronto. Tại London, hàng nghìn người đã tuần hành trước quảng trường Trafalgar.
Các ngôi sao bóng đá tại giải ngoại hạng Đức phát đi thông điệp “Công lý cho George Floyd” sau mỗi lần họ ghi bàn. Còn tại giải ngoại hạng Anh, các cầu thủ của Liverpool biểu thị tình cảm bằng cách quỳ gối trước vòng tròn giữa sân tập.
Những nước thường bị Mỹ chỉ trích về “nhân quyền”, “tự do báo chí” chọn cách tiếp cận tương tự. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng trước sức ép của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến bước đi của Bắc Kinh với Hong Kong với dòng tweet chỉ có 4 chữ: “Tôi không thở được” - khẩu hiệu của người biểu tình ở Mỹ liên quan đến cái chết của George Floyd.
Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng, đề cập lịch sử “bạo lực không công lý” dính đến cảnh sát Mỹ, cho rằng đây không phải là vụ việc lần điều tiên liên quan đến bạo lực bất công, việc làm phi pháp của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới bày tỏ quan điểm về biểu tình, bất ổn tại Mỹ. Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Erdogan cho rằng cách tiếp cận phân biệt chủng tộc, phát-xít vốn là nguyên nhân dẫn đến cái chết của George Floyd không chỉ gây đau buồn sâu sắc, nó còn là biểu hiện đau thương nhất cho trật tự bất công mà cả thế giới chống lại.
Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ra tuyên bố hiếm hoi bằng tiếng Anh “gửi nhân dân Mỹ”, khẳng định Iran sát cánh cùng họ chống lại “đàn áp nhà nước”. Với chính quyền Mỹ, ông Abbas Mousavi phát đi thông điệp yêu cầu giới chức nước này dừng hành vi bạo lực chống lại dân chúng.