Báo chí sát cánh cùng doanh nghiệp: Chung niềm tin, vững tương lai!
67 doanh nghiệp vì người lao động được vinh danh Nhà nước thu gần 330 tỷ đồng từ thoái vốn doanh nghiệp |
Kề vai sát cánh lúc khó khăn
Mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là tương hỗ, cộng sinh. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.
Không chỉ thế, báo chí còn được xem như là người bạn, người dẫn dắt, người góp phần định hướng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội. Bởi trong bất cứ giai đoạn nào, báo chí cũng luôn giữ vai trò quan trọng, song hành cùng doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sự phát triển chung như bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong quá trình phát triển, báo chí và doanh nghiệp luôn có sự gắn bó, trong đó, nguồn thu từ quảng cáo cho doanh nghiệp giúp báo chí có thể hoạt động và phát triển. Ngược lại, doanh nghiệp cũng coi báo chí là kênh chính thống quan trọng tuyên truyền những mặt tích cực, gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nhằm lan tỏa hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn những năm vừa qua, mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh ấy là càng thể hiện đậm nét. Thực tế, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19; xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước.
Khi nền kinh tế gặp khó khăn sẽ tác động đến mọi chủ thể, trong đó báo chí và doanh nghiệp cũng không tránh khỏi “vòng vây”. Trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao thì cũng là lúc nhiều cơ quan báo chí sụt giảm mạnh doanh thu quảng cáo và đây cũng là lúc cả hai bên bị ảnh hưởng nặng nề về sinh kế.
Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á. |
Nhưng “có gian nan mới tỏ tấm chân tình, khó khăn mới thấu lòng nhau”, đây chính thời điểm mà báo chí và doanh nghiệp cần nhau nhất, không mỗi người mỗi hướng, không ngoảnh mặt làm ngơ mà “đồng cam cộng khổ”, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, chung niềm tin hướng đến tương lai.
Chia sẻ với phóng viên, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á, đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong sự phát triển của doanh nghiệp và xem đây là mối quan hệ lớn trong chặng đường phát triển của công ty.
Theo ông Cao Tiến Đoan, trong bất kỳ giai đoạn nào, báo chí cũng làm tốt vai trò quan trọng là cổ vũ, động viên các doanh nghiệp và doanh nhân phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, đưa ra những sản phẩm tốt phục vụ cho nhu cầu xã hội; thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu doanh nghiệp và các sản phẩm của doanh nghiệp nhiều hơn.
“Báo chí còn là nơi tin cậy giúp các doanh nghiệp phản ánh tâm tư nguyện vọng của mình một cách nhanh nhất tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nhờ báo chí, những tâm tư, nỗi niềm của doanh nghiệp cũng nhanh chóng được chuyển tải đến các cơ quan quản lý”, ông Cao Tiến Đoan chia sẻ.
Cũng theo ông Cao Tiến Đoan, lúc khó khăn như thế này, những cơ quan báo chí vẫn đứng bên cạnh song hành cùng doanh nghiệp mới thật sự đáng quý. “Cuộc sống cũng như kinh doanh không tránh khỏi lúc thăng lúc trầm, lúc thịnh lúc suy. Chúng ta biết cùng nhau đi qua khó khăn thì mới đáng quý. Chúng tôi thật sự trân trọng những cơ quan báo chí khi đã hiểu và cảm thông cho doanh nghiệp những lúc không thuận buồm xuôi gió”.
Cùng nhau nâng văn hóa kinh doanh và truyền thông
Thực tế, doanh nghiệp và báo chí là hai lực lượng vô cùng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Trong đó, doanh nghiệp - lực lượng tạo công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế, đóng góp an sinh xã hội và báo chí - vũ khí sắc bén, là những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền văn hóa tư tưởng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếng nói của các tầng lớp Nhân dân, trong đó có những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO khoa Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU). |
Nếu doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh thì người làm báo và các cơ quan báo chí có văn hoá báo chí. Mặt khác, doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh thì các cơ quan báo chí cũng có đạo đức báo chí. Do đó, nếu cả hai cùng tinh thần chia sẻ tầm nhìn, mối quan hệ này sẽ lành mạnh hơn nữa, đem đến những cơ hội thiết thực cho những lực lượng đại diện cho nguồn lực phát triển của xã hội, đất nước.
Theo ông Nguyễn Quang Huy - CEO khoa Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU), mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là bình đẳng, việc hợp tác truyền thông là một hoạt động quan trọng của doanh nghiệp. Nhờ sự tích cực trong chia sẻ thông tin về định hướng, chiến lược kinh doanh, tính năng sản phẩm, chất lượng sản phẩm và dịch vụ trước, trong và sau bán hàng với báo chí thì báo chí sẽ thông tin lại kịp thời, chính xác, khác quan tới khách hàng một cách chiều sâu và tinh tế.
“Hai bên có quan hệ hợp tác tương hỗ, trợ giúp nhau cùng phát triển. Các đơn vị báo chí sẽ có thể cố vấn, phản biện, góp ý cho các doanh nghiệp về xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp một các chuyên nghiệp, chính trực và bền vững, định vị sâu trong tâm trí khách hàng”, ông Quang Huy chia sẻ.
Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ phát triển, các cơ quan báo chí cũng nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động khi thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động gắn liền với doanh nghiệp, phát triển đối tác, nâng cao đời sống của cán bộ, phóng viên, nâng tầm vị thế của đơn vị mình trong hoạt động tuyên truyền, phục vụ độc giả.
Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, các đơn vị báo chí cần có sự công tâm, truyền thông theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và các quy định của pháp luật; sẻ chia và có góc nhìn thấu đáo mang tính xây dựng khi doanh nghiệp gặp phải những khó khăn do chủ quan hoặc khách quan để giúp họ vượt qua khủng hoảng, định vị lại hoạt động của mình để tuân thủ các quy định hiện hành.
Khi doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn, hoạt động bình thường trở lại và tiếp tục phát triển thì đương nhiên họ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông, quảng bá thương hiệu để phát triển kinh doanh. Lúc đó doanh nghiệp sẽ tiếp tục hợp tác, đồng hành dài hạn với báo chí, đó mới gọi là văn hóa kinh doanh và truyền thông của hai bên.
“Một mối quan hệ hợp tác lâu dài là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng nhau nhìn về một hướng. Cả hai cùng đồng hành nhất định sẽ tạo ra giá trị khác biệt, giúp hai bên cùng phát triển bền vững cả trong hiện tại và tương lai”, ông Nguyễn Quang Huy nhận định.