Bài 4 - Quảng Nam: Dự án chậm tiến độ 6 năm bất ngờ "đội mồ" sống dậy
Cách đây 7 năm, ngày 18/2/2011, Ban quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) cho phép Công ty TNHH R.O.S.E. Đô có địa chỉ tại 625, Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng làm chủ đầu tư nghiên cứu khảo sát địa điểm xây dựng khu đô thị R.O.S.E. Đô với phạm vi 40 ha tại phường Điện Dương – TX. Điện Bàn.
Sau hơn 6 năm án binh bất động, ngày 12/6/2017 UBND TX. Điện Bàn có Quyết định số: 97/KH-UBND thông báo kế hoạch thu hồi đất để xây dựng khu đô thị R.O.S.E. Đô. Sau khi điều chỉnh, Dự án này giảm diện tích còn 25,632 ha.
Thư ủy quyền của Công ty TNHH ROSE ĐÔ cho Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland
Tuy nhiên, trước đó 3 tháng, chỉ dựa vào Quyết định số 1897/QĐ-UBND về quy hoạch tổng thể mặt bằng chi tiết sử dụng đất 1/500, ngày 7/3/2017, Công ty TNHH R.O.S.E. Đô đã ký hợp đồng ủy quyền cho Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vincoland có địa chỉ tại Hà Nội thực hiện việc giao dịch thu tiền của khách hàng.
Theo hợp đồng số 0703/2017/HĐĐC/ROSE/ Vincoland ký ngày 7/3/2017 thì Vincoland thu tới 80 - 100% tổng giá trị lô đất mà Công ty TNHH R.O.S.E. Đô ký với khách hàng để thanh toán tiền đặt cọc và lợi nhuận của Vincoland như đã cam kết theo hợp đồng với Công ty TNHH R.O.S.E. Đô.
Chỉ 3 tháng sau, khi Dự án mới chỉ dừng ở giai đoạn thông báo kế hoạch thu hồi đất (tháng 6/2017), chủ đầu tư đã phân khúc, chia lô và rao bán 848 lô mở bán đợt I với tên thương mại dự án COCO GARDEN CITY. Tuy nhiên, do bán đất chưa đủ điều kiện pháp lý theo quy định, nên UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu dừng mọi giao dịch mua bán đối với dự án này.
Văn phòng Chính phủ có văn bản chuyển đơn của Công ty CP Gia Trần tố Công ty Bách Đạt Đà Nẵng hành vi trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạn tài sản sang Bộ Công an đề nghị xem xét giải quyết theo quy định.
Ngoài ra, Công ty TNHH R.O.S.E. Đô còn ký Hợp đồng số: 01/2011/HDTT HTDT ngày 8/3/2011 với Công ty CP Gia Trần tại Đà Nẵng với nội dung: hai bên đồng ý ký kết thỏa thuận hợp đồng hợp tác đầu tư triển khai xây dựng thực hiện dự án khu đô thị R.O.S.E. Đô theo đúng quy định tại “Thỏa thuận kí quỹ đầu tư” số: 04/2011/TTKQĐT. Ngay sau đó, Công ty CP Gia Trần đã hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền ký quỹ đầu tư và theo cam kết thì Công ty TNHH R.O.S.E. Đô sẽ phải nhượng lại cho Công ty CP Gia Trần là 15ha trên tổng diện tích đất dự án. Trước đó, việc Công ty TNHH R.O.S.E. Đô tự ký hợp đồng ủy quyền cho Vincoland bán “đất non” dự án, Công ty CP Gia Trần cũng không hề được thông báo.
Trong một diễn biến mới đây, ngày 7/6/2018, UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số: 1753/QĐ-UBND do ông Huỳnh Khánh Toàn, PCT thường trực UBND tỉnh Quảng Nam ký về việc chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án khu đô thị R.O.S.E. Đô từ Công ty TNHH R.O.S.E. Đô sang Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng An Phú Quý. Đây là doanh nghiệp mới thành lập, được Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép lần đầu ngày 21/11/2017. Trong Quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam không nêu lý do tại sao phải chuyển giao chủ đầu tư của dự án. Trong khi, nội dung Thông báo số: 03/TB-BQL của Ban quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc do ông Phan Quang Trận, Trưởng ban kí ngày 18/2/2011 tại mục 2 có ghi rõ: Nghiêm cấm chủ đầu tư chuyển nhượng địa điểm, diện tích, dự án cho đơn vị khác.
Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang là "thiên đường" của các Dự án khu đô thị, khu dân cư do Bách Đạt Corp và một số Doanh nghiệp có "quan hệ" đứng ra làm chủ đầu tư.
Qua tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH R.O.S.E và Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng An Phú Quý thực chất đều có liên quan tới Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Bách Đạt (có địa chỉ 40-42, Nguyễn Du, TP. Đà Nẵng do bà Hoàng Thị Kim Châu làm giám đốc). Doanh nghiệp đang “nổi” như cồn tại Quảng Nam vì làm con đường BT dài 1,9km gần 3 năm chưa xong nhưng đã được “ưu ái” giao 105ha đất đối ứng chia làm 6 Dự án (trong đó 3 Dự án đã bàn giao đất, 3 Dự án chưa bàn giao nhưng cũng đã giao bán kha khá đất nền) chia lô, bán nền thi về hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài hai Công ty kể trên có liên quan tới Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Bách Đạt, theo thông tin phóng viên nắm được thì Công ty này còn dính dáng tới các một số doanh nghiệp khác do chính bà Hoàng Thị Kim Châu và Chồng hoặc nhân viên của bà Châu đứng tên như: Công ty Bách Đạt An, Công ty Bách Thành Vinh…(hiện chưa biết Công ty Bách Đạt có bao nhiêu công ty “có liên quan” kiểu này).
Gần đây nhất, ngày 6/8/2018 vừa qua, UBND TX. Điện Bàn tiếp tục ra Thông báo số: 381/KH-UBND về việc thu hồi đất để xây dựng khu đô thị R.O.S.E. Đô, nhưng trước đó một thời gian dài, chủ đầu tư đã tiến hành tự áp giá đền bù cho các hộ dân có đất nông nghiệp nằm trong dự án. Cách đền bù của chủ đầu tư cũng không giống ai, mỗi ngày mời 1-2 hộ dân lên làm việc riêng, không có thông báo niêm yết giá công khai theo quy định.
Ông Đinh Hùng Liên, Chủ tịch UBND phường Điện Dương, Thị xã Điện Bàn cho biết: “Chủ đầu tư dự án có đề nghị phường tự thỏa thuận với người dân việc áp giá đền bù trước cho các hộ có đất nằm trong dự án, nhưng chính quyền địa phương yêu cầu chủ đầu tư phải bảo đảm đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định thì mới được tiến hành áp giá đền bù”. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn bất chấp để thực hiện và đã có nhiều hộ dân nhận tiền đền bù trái quy định của chủ đầu tư khi chưa có Quyết định thu hồi đất của UBND TX. Điện Bàn.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Quảng Nam nên kiểm tra, đánh giá lại năng lực thực sự của những doanh nghiệp “sân sau” của Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Bách Đạt. Tránh để doanh nghiệp này lợi dụng tranh tối tranh sáng đầu tư kiểu chộp giật, tung hỏa mù nhiễu loạn thị trường, gây nhiều hệ lụy về sau.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.