Bài 4: Không chủ quan với thành quả xử lý vi phạm cồn
Bài 2: Đã hết thời “gọi người thân” khi vi phạm về nồng độ cồn Xử lý vi phạm nồng độ cồn - Hiệu quả từ chính sách đến thực tiễn |
Cần tiếp tục tạo tính răn đe
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, hiện tại, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi uống rượu bia trước khi lái xe hiện nay không phải là thấp, thậm chí cao so với các nước trong khu vực, do đó đã phần nào có sức răn đe.
Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ), mức phạt đối với người uống rượu, bia lái xe là một trong những mức phạt tăng mạnh nhất. Mức phạt này giao động từ 80.000 đến 600.000 đồng (với người điều khiển xe đạp); Từ 6 đến 8 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 đến 24 tháng (với người điều khiển xe gắn máy); Đối với ô tô, tài xế ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm.
Mặc dù biết sẽ bị phạt rất nặng, song không ít người vì “ham vui”, “cả nể” vẫn uống và cố tình lái xe. Một số người “buộc phải lái xe” vì không thể gọi được taxi, xe dịch vụ đột xuất trong những ngày Tết. “Dù với lý do gì, cá nhân sử dụng rượu bia, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn phải bị xử lý nghiêm khắc để bảo đảm an toàn cho bản thân họ và người khác”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dư luận cho rằng, để khắc phục những bất cập thuộc về ý thức chấp hành các quy định về điều khiển phương tiện giao thông ở một bộ phận người dân hiện nay cần thực hiện đồng thời cả hai nhóm giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tiếp tục hoàn chỉnh các chế tài xử lý.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường |
Cụ thể, để nâng cao ý thức của người dân, các cơ quan chuyên trách, các địa phương cùng với các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục. Thông qua các hình thức tuyên truyền trực quan, thi tìm hiểu trực tuyến… người dân thấy rõ tính chất nguy hiểm của việc vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông; các chế tài xử lý theo quy định hiện hành… từ đó lan tỏa sâu rộng văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe” trong đời sống xã hội.
Đồng thời, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính, quy định trường hợp tước bằng vĩnh viễn hoặc buộc học lại Luật Giao thông đường bộ, thậm chí buộc phải thi cấp bằng mới khi tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Nếu tái phạm nhiều lần thì lái xe có thể bị tước bằng vĩnh viễn.
Cũng nên có đa dạng hóa các hình thức xử phạt như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm… Nếu lái xe có nồng độ cồn ở mức cao gấp nhiều so với mức kịch khung thì kể cả khi chưa gây ra hậu quả cũng có thể xem xét phạt tù.
Mặt khác, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, khi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, chất kích thích có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Như vậy, pháp luật đang coi hành vi uống rượu, bia điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng là lỗi vô ý. Trong khi thực tế, đa phần người vi phạm nhận thức rõ hành vi uống rượu, bia rồi lái xe có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Một trường hợp yêu cầu được chụp ảnh tem trên máy đo nồng độ cồn khi bị lực lượng chức năng yêu cầu xử lý vi phạm |
Do vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng cần sửa đổi Bộ luật Hình sự, xếp nhóm hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ là lỗi cố ý gián tiếp. Nói cách khác, cần sửa đổi để buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý.
Thực tế cho thấy, các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn cũng chỉ giúp giải quyết “phần ngọn”, là giải pháp phù hợp với những thời điểm cụ thể. Vấn đề căn cốt và mang tính lâu dài chính là ý thức tự giác chấp hành của mỗi công dân khi tham gia giao thông. Mỗi người cần thực hiện tốt phương châm “đã uống rượu bia không lái xe”, “đã lái xe thì không uống rượu bia” vì sự an toàn của bản thân và xã hội.
CSGT không thể “làm thay” ý thức người dân
Phát biểu tại cuộc giao ban trực tuyến lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc do Bộ Công an tổ chức ngày 27/1/2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định: "Tết năm nay là Tết an toàn". Theo thống kê, trong 7 ngày nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người và 111 người bị thương. So với cùng kỳ 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giảm 12 vụ (7,3%), giảm 3 người chết (3,3%) và tăng 8 người bị thương (8%).
Tuy nhiên, con số trên 7.720 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý, tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%) so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng cho thấy những bất cập thuộc về ý thức chấp hành các quy định điều khiển phương tiện giao thông ở một bộ phận người dân hiện nay.
Trực tiếp tham gia chỉ huy chốt trực kiểm tra nồng độ cồn của quận, Trung tá Bùi Chí Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô: "Trong tất cả những trường hợp được kiểm tra nồng độ cồn, nếu người dân ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật thì việc yêu cầu người dân vào chốt trực, thổi vào máy đo nồng độ cồn hoặc ký vào biên bản vi phạm hành chính khi người dân có nồng độ cồn trong máu… đều dễ dàng. Tuy nhiên, không ít lái xe vì quá say xỉn, không làm chủ được bản thân, đã có những lời nói, hành động mang tính chống đối lực lượng chức năng, gây cản trở quá trình xử lý. Những hành vi này chúng tôi đều có các biện pháp nghiệp vụ để ghi lại hình ảnh phục vụ công tác đấu tranh sau này".
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề này, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, việc duy trì thường xuyên các đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông vào những ngày cao điểm của lực lượng CSGT, Công an TP Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước đã tác động tích cực đến ý thức, hành vi của người dân khi tham gia giao thông.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) |
Theo đánh giá của lực lượng CSGT, đến thời điểm này, rất ít trường hợp lái xe chuyên nghiệp, đường dài vi phạm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, số vi phạm chủ yếu là khu vực nội thị, trên các cung đường ngắn. Đáng mừng là lực lượng chức năng phát hiện rất ít các bạn trẻ sử dụng nồng độ cồn mà vẫn tham gia giao thông. Các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sử dụng rượu, bia cũng giảm thiểu.
Thống kê trên cả nước, trong 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT đã phát hiện hơn 750.000 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 1.300 tỷ đồng, tước 139.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 224.957 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2022, xử lý giảm 102.963 trường hợp (-12,06%), tiền phạt tăng hơn 530 tỷ đồng (+64,62%); Trong đó 20,6% trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhiều trường hợp mức phạt kịch khung đối với ô tô (35 triệu đồng) và với xe máy (7 triệu đồng).
Là một trong những tỉnh, thành đứng đầu cả nước (kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn của riêng thành phố Hà Nội chiếm 14,1% tổng số xử lý vi phạm nồng độ cồn của cả nước), 3 tháng qua, CSGT Hà Nội đã xử lý 71.167 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền trên 148,3 tỷ đồng; Trong đó, xử lý 18.310 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; giảm cả 3 tiêu chí về số người chết, người bị thương, số vụ tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, khi CSGT không còn theo lối mòn ra quân cao điểm tại một số khu vực, mà lập chốt kiểm tra đột xuất, đại trà mọi tài xế, không ít ma men bị bất ngờ và tỏ thái độ lăng mạ, chống đối hoặc dùng những mối quan hệ để xin bỏ qua. Lực lượng chức năng đã kiên trì tuyên truyền để người có dấu hiệu vi phạm hiểu, đồng thời kiên quyết xử lý thông qua các biện pháp như ghi hình, phối hợp với người dân xung quanh làm chứng, lấy đầy đủ cơ sở pháp lý để lập biên bản, xử lý vi phạm.
Đó là những điều mà người dân bình thường muốn được thấy.
Vi phạm nồng độ cồn thì bị phạt nặng, tịch thu xe, tước bằng lái theo quy định nhưng chống đối lực lượng chức năng có thể phải vào tù, bỏ chạy có thể gây tai nạn cho người xung quanh, thậm chí là tự đánh mất tính mạng mình.
Những trường hợp chống đối kiểm tra vi phạm nồng độ cồn bị bắt giữ, xử lý thời gian qua là minh chứng rõ nhất, có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nhận thức, ý thức của người dân, nhất là các bạn trẻ hiện nay.
Từ thực tế có thể thấy, ngăn chặn hành vi, vi phạm nồng độ cồn gốc rễ vẫn là nhận thức, ý thức của người dân. Uống rượu bia, không tỉnh táo mà vẫn lái xe, gây tai nạn giao thông là do dân chủ quan; Tài xế cản trở, chống đối, không hợp tác với lực lượng chức năng… cũng do dân.
Vậy tại sao, những người sống trong xã hội văn minh như chúng ta… lại để “nhắc mãi” câu chuyện về bảo vệ tính mạng, tài sản của chính bản thân mình??? Chỉ có người dân tự nhận thức về điều này mới mang lại hiệu quả lâu dài hơn bất cứ bản án, hình phạt nào từ vi phạm nồng độ cồn…
"Tình hình tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm cả về số vụ và số người tử vong. Cụ thể, giảm 15,43% số vụ và 15,23% số người tử vong so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng nồng độ cồn trong 3 tháng đầu năm giảm sâu" - Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I/2023 vừa qua, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. |