Bắc Giang dạy thử nghiệm tiếng dân tộc thiểu số trong trường học
Theo Ban Dân tộc tỉnh, việc tổ chức dạy thử nghiệm là bước quan trọng để rút kinh nghiệm và hoàn thiện tài liệu, giáo trình, phương pháp giảng dạy trước khi chính thức dạy tiếng DTTS trong nhà trường từ năm 2025.
Trước đó, tháng 10/2023, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh", thành lập Ban biên soạn tài liệu truyền dạy tiếng DTTS tỉnh tổ chức biên soạn, xây dựng dự thảo tài liệu khung (bằng chữ quốc ngữ), sau đó biên dịch thành tài liệu truyền dạy.
Lớp dạy thử nghiệm tiếng dân tộc Sán Dìu tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. |
Có 7 lớp giảng dạy ngôn ngữ của các dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Hoa, Cao Lan, Sán Chí và Sán Dìu. Giáo viên đứng lớp là người có uy tín, người DTTS am hiểu ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) của dân tộc mình. Trong thời gian (45 phút), học sinh được phổ biến về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc bảo tồn văn hóa đồng bào DTTS, cách phát âm, gọi tên những đồ vật, sự việc, hiện tượng trong đời sống bằng ngôn ngữ của dân tộc mình.
Theo kết quả điều tra thực trạng KT - XH các DTTS tỉnh Bắc Giang năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 1% số người DTTS nói được tiếng của dân tộc mình. Số người DTTS không còn nói được "tiếng mẹ đẻ" chủ yếu là thanh thiếu niên.
Để bảo tồn, phát huy tiếng DTTS, tỉnh Bắc Giang ban hành đề án, phấn đấu từng bước tăng tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc bình quân từ 2-3%/năm; đến năm 2030 đạt từ 15 - 20%. Đến hết năm học 2029-2030 có 100% các trường học vùng đồng bào DTTS và miền núi tổ chức, duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc.