Bắc Giang đặt mục tiêu xây dựng 23 khu công nghiệp mới
Trong kế hoạch về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng.
Bắc Giang lên kế hoạch xây dựng thêm 23 khu công nghiệp mới |
Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Giang lên kế hoạch thành lập mới 23 khu công nghiệp (KCN), mở rộng 05 KCN, sáp nhập 06 cụm công nghiệp (CCN) vào KCN, với tổng diện tích 6.518 ha; nâng tổng số KCN trên địa bàn tỉnh vào năm 2030 là 29 KCN, với tổng diện tích 7.840 ha.
Đồng thời, thành lập mới 29 CCN và mở rộng 3 CCN, với tổng diện tích 1.853 ha; đưa ra khỏi quy hoạch 09 CCN, với diện tích 372,6 ha; tổng số CCN trên địa bàn tỉnh vào năm 2030 là 66 CCN, với tổng diện tích 3.209 ha. Trong đó, đến cuối năm 2025 có thêm ít nhất 5 KCN, 9 CCN có hạ tầng đồng bộ đưa vào sử dụng để thu hút các dự án đầu tư công nghệ hiện đại.
Ngoài ra, các mục tiêu khác cũng được tỉnh Bắc Giang đưa vào để thực hiện thắng lợi kế hoạch này như: Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 19%/năm; đóng góp trong cơ cấu GRDP của tỉnh tăng từ 49,7% năm 2020 lên 60% vào năm 2030.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 26%/năm; đến năm 2030, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt khoảng 2.200.000 tỷ đồng.
Huy động vốn đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 855 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp đến năm 2030 đạt trên 90%, trong đó, tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 11%/năm.
Nâng tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước tỉnh của ngành công nghiệp từ 30,9% năm 2020 lên 36% vào năm 2030.
Phát triển công nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang trong những năm qua |
Trong những năm qua, phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, ngày càng khẳng định là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt 23,2%/năm, vượt xa mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra (14-15%/năm).
Tuy nhiên, phát triển công nghiệp tại Bắc Giang còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chất lượng, hiệu quả nhiều dự án đầu tư chưa cao; chưa có nhiều dự án có đóng góp lớn cho ngân sách; các dự án chủ yếu là gia công, lắp ráp, sử dụng nhiều lao động phổ thông, giá trị gia tăng thấp; công tác dự báo, quản lý quy hoạch chưa tốt; tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm...
Bắc Giang đề ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030 (Ảnh minh họa) |
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang chỉ rõ, như: Một số cơ quan, ban, ngành của tỉnh và cấp ủy, chính quyền một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chậm đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Năng lực, khả năng phân tích, dự báo, tham mưu của một số cơ quan, đơn vị còn yếu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thụ động, ngại khó khăn, thiếu linh hoạt, chưa quyết liệt khi thực hiện các nhiệm vụ được phân công, nhất là tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục đầu tư, tuyên truyền, vận động bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển công nghiệp.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bắc Giang đã đề ra một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với nhiệm vụ phát triển công nghiệp; Nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch phát triển công nghiệp; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...