Bắc Giang đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào?
Ảnh minh hoạ |
Thực hiện xét nghiệm
Theo văn bản này, sẽ xét nghiệm ngay các trường hợp có các triệu chứng về đường hô hấp (sốt, ho, đau họng, mệt mỏi…) và tầm soát ngẫu nhiên tại khu vực nguy cơ cao, tập trung đông người (cơ sở khám, chữa bệnh, chợ, bến xe… nhóm người phải di chuyển nhiều đến các địa điểm như: Lái xe, xe ôm, giao hàng hoá…).
Không chỉ định xét nghiệm đối với người dân khi di chuyển trên địa bàn tỉnh và người đã tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định, không có triệu chứng; chỉ xét nghiệm đối với người về từ vùng dịch có cấp độ 4, về từ vùng cách ly, phong toả và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ.
Đối với các ổ dịch: Tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND cấp huyện quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp.
Trong các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD):
Thực hiện xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện như ho, sốt, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan;
Cơ sở sản xuất kinh doanh tự quyết định tần suất và phương pháp xét nghiệm cho người lao động nhưng không thấp hơn mức:
Người lao động có nguy cơ cao (tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân, …): Xét nghiệm 2 tuần/lần tối thiểu cho 5%-10% người lao động.
Người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở SXKD (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh…): Xét nghiệm 2 tuần/lần cho toàn bộ người lao động.
Tại các cơ sở khám, chữa bệnh:
Tăng cường thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên, giảm xét nghiệm bằng RT-PCR; theo phương pháp gộp mẫu trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ.
Đối với khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú: Chỉ định xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 cho các trường hợp có yếu tố dịch tễ; các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, khó thở, mất khứu giác, vị giác…; các trường hợp cấp cứu, chưa kịp khai thác lịch sử, các yếu tố dịch tễ hoặc các trường hợp đặc biệt khác do cơ sở khám chữa bệnh quyết định;
Đối với khám bệnh, chữa bệnh nội trú: Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 mẫu gộp bằng phương pháp RT-PCR, cụ thể:
Tại các khoa, phòng có nguy cơ cao: Xét nghiệm với tần suất 1 tuần/lần đối với tất cả cán bộ y tế, người lao động, người bệnh, người nhà người bệnh;
Tại các khoa, phòng, trung tâm có nguy cơ thấp: Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên tối thiểu 25% (tần suất 1 tuần/lần) đối với cán bộ y tế, người lao động, người bệnh, người nhà người bệnh.
Bệnh nhân có chỉ định vào điều trị nội trú, nếu chưa có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời gian quy định, cần thực hiện xét nghiệm ngay bằng phương pháp test kháng nguyên SARS-CoV-2 hoặc bằng phương RT-PCR.
Truy vết người tiếp xúc gần (F1)
Chỉ thực hiện truy vết người tiếp xúc gần (F1), không truy vết với các trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2).
Người tiếp xúc gần (F1) là người tiếp xúc với F0 trong thời kỳ lây truyền, gồm các trường hợp sau:
Có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…); Không đeo khẩu trang, có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín; Đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 02 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút; Trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân;
Biện pháp cách ly đối với người từ các địa phương khác đến/về tỉnh:
Trường hợp người đã được tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc người đã điều trị khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng:
Thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-COV-2 và xử trí theo quy định.
Các trường hợp chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng COVID-19:
Tự theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày, thực hiện 5K; nếu có biểu hiện như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-COV-2 và xử trí theo quy định.
Biện pháp cách ly đối với người nhập cảnh
Đối với người nhập cảnh đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19:
Trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh: Người nhập cảnh tự theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú; không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú;
Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định. Người nhập cảnh được tiến hành tiêm mũi vắc xin bổ sung mũi 3 ngay tại nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện).
Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng COVID-19:
Thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định. Trong trường hợp nơi lưu trú không đáp ứng các điều kiện theo quy định (y tế cơ sở hướng dẫn cụ thể), thì người cách ly phải thực hiện cách ly tập trung tại khách sạn hoặc tại cơ sở cách ly tập trung khác. Người nhập cảnh được bố trí tiêm vắc xin ngay tại nơi lưu trú.
Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế): Được cách ly cùng cha/mẹ hoặc người chăm sóc; người chăm sóc phải tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm COVID- 19; phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 như đối với người nhập cảnh.
Đối với F0 đã điều trị khỏi, ra viện
Người bệnh sau khi ra viện phải tự theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày, thực hiện 5K; đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời.
Đối với cán bộ y tế kết thúc nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch
Cán bộ y tế, nhân viên làm nhiệm vụ tại khu điều trị F0: Lấy mẫu xét nghiệm bằng test nhanh hoặc RT- PCR trước khi ra khỏi khu điều trị; thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày.
Cán bộ y tế và các lực lượng làm việc trong khu cách ly tập trung: Người có tiếp xúc với F0 trong khu cách ly: Trước khi ra khỏi khu cách ly lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày; Người không tiếp xúc với F0 hoặc khu cách ly không xuất hiện F0: Thực hiện tự theo dõi sức khoẻ 7 ngày.
Một số biện pháp hành chính
Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, tập trung đông người.
Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng: Được tổ chức phần nghi lễ, không tổ chức phần hội; bảo đảm tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ (trừ Games online và Karaoke) hoạt động trở lại bình thường từ 0h ngày 16/02/2022. Riêng huyện Sơn Động cho phép các hàng quán phục vụ ăn, uống từ này 1/2/2022. Các khu, điểm du lịch trong tỉnh được tổ chức dịch vụ ăn uống phục vụ du khách từ ngày 1/2/2022.
Các cơ sở kinh doanh phải quản lý khách hàng bằng mã QR và đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định. Người tham gia kinh doanh phải được tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định, khai báo mã QR, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Từ ngày 16/2/2022: Hoạt động đám cưới được tổ chức không quá 150 người; đối với đám hiếu, đám giỗ, liên hoan tổ chức gọn nhẹ, hạn chế số lượng người tham dự.
Các cơ sở, điểm tham quan du lịch được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Hướng dẫn này thay thế toàn bộ hoặc một số nội dung các văn bản trước đó có liên quan; văn bản sẽ được sửa đổi, bổ sung theo diễn biến tình hình dịch cụ thể.