Áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng mạnh vào quý II-III năm nay
Lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư về trái phiếu doanh nghiệp Chưa ghi nhận đợt phát hành trái phiếu nào trong tháng 1/2023 Khẩn trương rà soát khả năng thanh toán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu |
Áp lực đáo hạn sẽ trái phiếu tăng mạnh vào giữa năm
Công ty Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo thị trường trái phiếu, đưa ra những nhận định về thị trường năm 2022 và dự báo năm 2023.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý IV/2022 chỉ đạt 3.619 tỷ đồng, giảm 94,5% so với quý trước và 98,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết là trái phiếu phát hành riêng lẻ và không có đợt phát hành trái phiếu công chúng nào.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, giá trị phát hành trái phiếu giảm mạnh trong quý IV/2022 đến từ hai nguyên nhân chính: Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành vào 16/09/2022 đã thắt chặt những quy định về cả phía cung và phía cầu đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; niềm tin của nhà đầu tư đã giảm đi sau khi cơ quan quản lý Nhà nước chỉ ra một loạt các sai phạm của doanh nghiệp phát hành.
Trong quý IV/2022, tập đoàn đa ngành trở thành nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 47% tổng giá trị phát hành, tương đương 1.700 tỷ đồng, toàn bộ đều thuộc về Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan.
Theo thống kê, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 17,4% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 630 tỷ đồng. Chỉ có 3 doanh nghiệp bất động sản thực hiện phát hành, bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (500 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Trung (100 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (30 tỷ đồng).
Trong khi đó, ngành tài chính – ngân hàng chỉ có một đợt phát hành đến từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (285 tỷ đồng), chiếm 7,9% tổng giá trị phát hành trong quý IV/2022.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2020 - 2021, tuy nhiên những rủi ro đầu tư đã bộc lộ qua một số sai phạm xảy ra đầu năm 2022. Điều này khiến nhà đầu tư suy giảm niềm tin vào kênh dẫn vốn quan trọng này. Nghị định 65, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022, đặt ra các điều kiện và yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo đó, tổ chức phát hành được phép cơ cấu lại nợ song vẫn phải đảm đúng mục đích sử dụng theo phương án phát hành. Xếp hạng tín nhiệm được yêu cầu bắt buộc trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn tổng giá trị trái phiếu vượt quá một ngưỡng hoặc tỷ lệ trái phiếu/vốn chủ sở hữu vượt quá một tỷ lệ nhất định.
Ngoài ra, quy định mới cũng nâng cao những tiêu chí công nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp khi thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã bị thiệt hại do thực hiện các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro cao và không có đánh giá cẩn thận.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn ước tính giảm 40,3% so với quý IV/2022 trong quý I/2023 khi đạt 30.655 tỷ đồng (tăng 246,7% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III/2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng ( tăng 169,0% so với cùng kỳ) và 89.488 tỷ đồng ( tăng49,9% so với cùng kỳ). Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong quý IV/2023 sẽ hạ nhiệt về mức 59.571 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính – ngân hàng và ngành khác lần lượt là 37,6%, 37,0% và 25,5%. Trong năm 2023, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riếng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỷ đồng.
Thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm 2023
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn vốn dài hạn vào nền kinh tế. Mặc dù vậy, với sự bùng nổ phát hành trái phiếu trong giai đoạn 2019 – 2021, tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn năm 2023 ước tính khoảng 272.853 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành bất động sản và tài chính - ngân hàng lần lượt chiếm 38% và 37%.
Nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường trái phiếu sau một số vụ việc như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. |
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản.
Những lo ngại về năng lực thanh toán ngày càng tăng khi một số vụ bắt giữ liên quan đến các vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng vốn không đúng mục đích của một số nhà phát triển bất động sản lớn như Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.
Niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào trái phiếu doanh nghiệp đã suy giảm xuống mức rất thấp, thể hiện thông qua việc nhiều nhà đầu tư đã vội vàng bán trái phiếu của bất kỳ tổ chức phát hành nào bằng mọi giá để thu tiền về tiền mặt. Lưu ý rằng nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 1/3 khối lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu thị trường của Công ty Chứng khoán VNDirect, hiện một số trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch với mức 4 - 5% thấp hơn mệnh giá, với mức lợi suất khoảng 10 - 12%/năm, có nghĩa là người bán sẵn sàng chấp nhận với mức chiết khấu 14 - 17%.
Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều thông điệp nhằm xoa dịu tâm lý hoang mang của thị trường và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Một trong những giải pháp đó là việc ban hành Nghị định 65 sửa đổi. Tính đến thời điểm hiện tại, Nghị định 65 sửa đổi đang ở trong giai đoạn chờ trình lên Chính phủ.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng cần thêm thời gian để các thành viên tham gia thị trường (nhà phát hành, tổ chức bảo lãnh/tư vấn và nhà đầu tư) thích ứng với các quy định mới.
Trong bối cảnh chi phí tài chính gia tăng, lực cầu nội địa yếu đi, thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp đang có xu hướng hoãn, hoặc hủy kế hoạch mở rộng kinh doanh, dẫn đến giảm nhu cầu vốn.
Vì vậy, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm 2023. Khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.