45 năm Gisela tìm Vương Vân: Chuyện của người đàn bà si tình gốc Đức
Chàng trai Vương Vân hồi trẻ tại Việt Nam |
Tìm kiếm và mong muốn được gặp lại người bạn trai cũ người Việt Nam dù chỉ một lần nhưng đã xế chiều miền kí ức, Gisela người Zewziland vẫn chưa thực hiện được ước mong sâu thẳm của mình. Hành trình tìm kiếm của Gisela đã kéo dài suốt 45 năm qua. Và bà biết, quỹ thời gian dành cho mình không còn nhiều nữa.
Người đàn bà đi tìm kí ức
Bóng chiều đổ dài xuống những mái nhà cổ rêu phong, sót lại ít vạt nắng vàng vọt trên con đường khúc khỉu. Mặc cho bao người dẫm đạp lên cái bóng ngả nghiêng mình, Gisela vẫn cầm chặt trên tay xấp thư, những bản nhạc, những bài thơ viết vội và những tấm hình đã úa màu thời gian. Đó là những kỷ vật của người bạn trai người Việt Nam trong thời gian thực tập nghiên cứu sinh tại Đức trao cho bà. Gisela xem nó là vô giá và cất giữ suốt gần nửa thế kỷ qua. Cũng chính những thứ tưởng như cũ kỹ này, mà hơn 45 năm qua, bà đã lặn lội khắp năm châu, bốn bể tìm kiếm chủ nhân của nó.
Gisela ôm tấp hình của Vương Vân đi khắp nơi tìm kiếm ở các thành phố lớn ở Việt Nam |
Ở tuổi 80, nếp nhăn đã hiện dày trên khuôn mặt thanh tú của cô gái trẻ trung thủa nào, nhưng ánh mắt sâu thẳm của bà vẫn lấp lánh những tia hy vọng, dù biết rất mong manh. Đi tới đâu bà cũng cầm trên tay bức ảnh của người đàn ông xưa cũ để dò hỏi, ánh mắt bà từ hy vọng rồi lại tắt lịm ngay sau đó. Có lẽ thời gian đủ lâu với những bộn bề lo toán, người ta đã quên đi khuôn mặt của người đàn ông có cái tên Vương Vân thời còn trai trẻ. Rất có thể họ đã vô tình gặp ông thoáng qua ở một nơi nào đó tại Việt Nam.
Người đàn ông tên Vương Vân đã biệt tăm khi cả hai cùng ra trường. Và cũng từ đó, kỷ niệm của họ được gói lại để cất giữ trong mùa đông lạnh giá của nước Đức. Tưởng rằng qua năm tháng mọi thứ sẽ phai nhòa, kí ức sẽ dần lùi xa, kỷ niệm cũng sẽ dần vào lãng quên. Nhưng không, kí ức ấy cứ luôn hiện diện trong tim bà, vẫn ấm áp, say đắm như ngày nào khiến bà chẳng thể nguôi ngoai. Sau cuộc chia ly giữa hai người, Gisela muốn sang Việt Nam để tìm Vương Vân, nhưng thời gian đó chiến tranh ở Việt nam đang diễn ra rất ác liệc, 2 miền chia cắt, nên bà đành chờ đợi cơ hội.
“Tôi đã chờ đợi anh ấy cả một quãng thời gian dài sau khi cả hai ra trường, chấp nhận cuộc sống cô đơn. Hàng ngày mong ngóng nhận được tin anh. Thế nhưng không có bất cứ tin tức gì. Tôi không có địa chỉ của anh ấy, những bức thư tôi viết và gửi theo địa chỉ cũ và không có hồi âm. Có lúc tôi nghĩ, anh ấy không còn tồn tại trên đời nữa. Vì ngày đó Việt Nam đang có chiến tranh. Để vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, tôi rời quê hương, chuyển tới Zewziland sinh sống, để mong mình sẽ quên đi quá khứ”. Gisela tâm sự.
Hình ảnh tiễn Vương Vân tại Việt Nam mà Gisela còn giữ lại |
Tới sinh sống ở Zewziland để mong quên đi quá khứ, nhưng Gisela vẫn không thể quên được. Bà vẫn sống cô đơn một mình, dù có nhiều người theo đuổi. “Mãi hơn 10 năm sau, tôi gặp được chồng tôi bây giờ, anh ấy rộng lượng và thông cảm cùng chia sẻ với tôi. Chồng tôi không hề phản đối việc tôi đi tìm Vương Vân, ngược lại, anh ấy còn ủng hộ, cùng tôi đi tìm bạn trai cũ của vợ mình. Thời gian gần đây do sức khỏe của chồng tôi không được tốt, nên tôi đành đi tìm kiếm Vương Vân một mình”.
Hành trình 45 năm tìm kiếm trong vô vọng
Trước kia, lúc chưa nghỉ hưu, mỗi năm Gisela dành quỹ thời gian 3 tháng để đi tìm Vương Vân. Sau khi nghỉ hưu thì tăng lên 6 tháng. Khoảng 10 năm gần đây, Gisela đã sử dụng gần hết quỹ thời gian của mình, chủ yếu đến Việt Nam, với hy vọng mong manh được gặp lại người trong quá khứ một lần cuối cùng trước khi rời xa mãi mãi", Gisela nói nước mắt cứ trải dài.
Từ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, rồi bà đến Việt Nam, quê hương của Vương Vân đã không nhớ là bao nhiêu lần. Cái tên Vương Vân, một nghiên cứu sinh suất sắc tại Kirchhellen, TP. Bottrop, Tây Đức cũ của gần nửa thế kỷ trước, người bạn trai người Việt Nam khiến con tim bà thổn thức vẫn mịt mù xa.
Đến Việt Nam, Gisela mải miết âm thầm tìm kiếm. Từ Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An… “Vì người ấy hồi trước học rất giỏi, giỏi nhất trường, nếu về sống tại Việt Nam, chắc chắn sẽ làm việc ở các thành phố lớn của Việt Nam, chứ không ở những vùng quê”. Gisela phán đoán.
Trang nhật ký của Vương Vân viết từ năm 1959 |
Tôi đi bộ cùng bà qua từng con phố cổ dưới tia nắng yếu ớt cuối cùng còn sót lại, báo hiệu một ngày sắp tàn, dáng bà ẩn hiện, cần mẫn hỏi thăm về Vương Vân giữa đoàn người đông đúc đang chen lấn ngược xuôi khiến tôi chạnh lòng. Vậy là Gisela đã ở Hội An tròn một tuần để tìm kiếm Vương Vân trong vô vọng.
Trước khi rời Hội An về nước, Gisela nhắn lại: “Tôi luôn hy vọng sẽ gặp lại anh ấy tại Việt Nam, nếu không có điều kiện, nhờ anh cất giữ giúp tôi tất cả kỷ vật này. Biết đâu sẽ gặp lại và trao cho anh Vân”. |
Hôm nay Gisela quyết định tìm tới Trung tâm xúc tiến Du lịch Quảng Nam trên đường Phan Châu Trinh (Hội An) để nhờ sự giúp đỡ từ trung tâm này. Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ Trung tâm tiếp chyện và khuyên Gisela nên nhờ đến kênh thông tin báo chí của Việt Nam, may ra còn có hy vọng nếu Vương Vân còn sống.
Gisela rớm lệ, run rẩy đưa tôi xem những kỷ vật, trong đó có trang nhật ký được viết tay từ năm 1959 nét chữ khá đẹp. Nội dung trang nhật ký cho biết, “Vương Vân, sinh ngày 26/2, Mậu Dần, tại huyện Kiến An (TP Hải Phòng), cư ngụ tại số nhà 19/4, đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Và hình như chàng thanh niên Vương Vân mồ côi cha mẹ? vì trong thư có đoạn, “Cháu xin nguyện luôn tu tâm, dưỡng tính để xứng đáng với nguyện vọng cậu mợ…”. Gisela phỏng đoán.
Tuy nhiên phỏng đoán của Gisela rất có thể là sai, vì thời Pháp thuộc ở miền Bắc nhiều nơi vẫn gọi cha mẹ mình là "Cậu, Mợ" và ở Hải Phòng cũng có thời kỳ các gia đình cũng từng xưng hô như vậy.
Phóng viên Báo Tuổi trẻ và Pháp luật và bà Gisela tại Hội An (Quảng Nam) |
"Hãy viết dùm tôi nhà báo nhé, hãy giúp tôi tìm lại Vương Vân. Nếu có thông tin về anh ấy từ các bạn đọc ở Việt Nam, làm ơn báo cho tôi biết. Tôi không còn nhiều thời gian và cơ hội để đi tìm Vương Vân được nữa". Gisela nhắn gửi.