24 giờ không ngủ và chuyến đi của những bác sĩ đặc biệt
Là một trong những lực lượng tiếp xúc ban đầu với người nghi nhiễm, các bác sĩ, điều dưỡng, lái xe tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội ngày đêm chuyên chở hàng trăm người đến nơi cách ly, đối diện với nhiều rủi ro và thách thức.
23h tại trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội:
Reng…reng…reng…
Đặt vội bát cơm xuống, tổng đài viên Tân với lấy ống nghe:
- Alo, 115 xin nghe.
- Chị bình tĩnh miêu tả tình trạng người nhà giúp em. Vậy là anh ấy có tiếp xúc với F1? Tình hình anh ấy hiện như thế nào? Có ho hay sốt không ạ?
Cuộc gọi chưa kết thúc, anh Tân lấy một ống nghe khác, bấm số Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm thông báo tình hình.
2 phút sau, cuộc gọi của Trung tâm y tế quận Long Biên yêu cầu một xe đi thu dung F1.
Gác máy, anh Tân đưa tay ấn chuông. Cuộc điện thoại thứ 50 trong ca trực của anh báo có người nghi nhiễm Covid-19.
Khu vực dành cho nhân viên, nghe thấy tiếng chuông báo có ca cấp cứu, bác sĩ Hạnh đang sấy dở mái tóc lập tức tắt máy, điều dưỡng Liên B vừa ngả lưng xuống giường cũng bật dậy. Bên ngoài, lái xe Thành đã lăn bánh ra phía cửa. Thời gian tiếp nhận một ca nghi nhiễm Covid-19 mới ở tổng đài đến lúc ê-kíp trực sẵn sàng vào vị trí, tất cả chỉ diễn ra trong 5 phút.
Trắng đêm mùa dịch
Mặc bộ đồ bảo hộ lần thứ 10 chỉ trong 2 buổi trực, bác sĩ Hạnh đã quá quen thuộc với việc phải có đủ 7 món trên người gồm bộ quần áo liền mũ, găng tay, khẩu trang N95, bọc giày và kính. Trong khi đó, điều dưỡng Liên B lấy tấm che phủ tất cả bề mặt bên trong của xe, từ ghế ngồi đến các tủ đồ.
Xong xuôi, cả kíp ngồi lên cabin. Bình thường, 3 người ngồi vừa đủ nhưng những ngày này “không khác gì bánh mì kẹp thịt”, điều dưỡng Liên tếu táo đùa.
Đêm Hà Nội những ngày giữa tháng 3, trời se lạnh, hai bên đường hàng quán đóng cửa trước giờ giới nghiêm, chiếc xe màu trắng lao nhanh trên đường. “Đợt này mọi người ít ra ngoài nên đi cũng nhanh hơn, ban ngày không phải dùng còi nhiều như trước nữa”, lái xe Thành, người có kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề, cho hay.
20 phút sau, xe cấp cứu đến địa chỉ được thông báo, khu vực này không có số nhà, lái xe phải mất thêm 10 phút nữa để tìm đường. Con đường đất nhỏ, nhiều ngã rẽ, vắng ánh đèn.
Xe cấp cứu dừng trước cửa nhà, chờ cán bộ y tế phường mang giấy tờ chuyển người nghi nhiễm đến Bệnh viện Đức Giang cách ly. Vài người hàng xóm hiếu kỳ nhìn theo "những người ngoài hành tinh". "Mặc kín mít một màu xanh từ đầu đến chân, ngày đầu mọi người còn trêu nhau nhìn như phi hành gia", lái xe Thành nói.
“Sau khi Hà Nội ghi nhận ca mắc thứ 17, các ca nghi nhiễm tăng đột biến, khi đi thu dung, chúng tôi luôn luôn phải mặc đồ bảo hộ, nóng bức và hơi bất tiện. Mỗi lần xuất hiện ở đâu, người dân đều sợ sệt đi chỗ khác hoặc đứng từ xa bàn tán. Rồi cũng quen”, một bác sĩ chia sẻ.
Người cách ly được đeo khẩu trang và găng tay trước khi lên xe. Với chuyến vận chuyển thường, bác sĩ và điều dưỡng luôn phải túc trực bên cạnh để theo dõi các dấu hiệu của người bệnh, còn với những chuyến đi như thế này, kíp trực và người nghi nhiễm được giữ khoảng cách tối đa có thể và không giao tiếp trên xe. Người đàn ông tiếp xúc gần với F0, xách một túi cá nhân, ngồi phía trong cùng của xe, ngoái đầu nhìn về con ngõ nhỏ.
Sau khi làm thủ tục tại Bệnh viện Đức Giang, điều dưỡng Liên B đưa người nghi nhiễm lên khu vực cách ly tầng 2. Xong xuôi, chiếc xe trắng quay đầu trở về trung tâm.
1h sáng, kíp trực về đến trung tâm, trong sân không còn một chiếc xe cấp cứu. Chẳng ai bảo ai, cả kíp mau chóng khử khuẩn xe, tắm giặt. Chỉ cần một hồi chuông vang lên thôi, họ sẽ lại phải vào vị trí.
Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm 115 Hà Nội, cho biết hiện mỗi ca trực có 15 xe, trong đó có 5 chiếc đặt tại trạm trung tâm. Mỗi kíp gồm một bác sĩ, một điều dưỡng và một lái xe. Một kíp có thể thực hiện 8-10 chuyến/ca trực. Tính trung bình mỗi chuyến kéo dài 2 tiếng thì việc thức trọn 24h là điều bình thường. Những chuyến đi có khi quá giờ giao ban (8h sáng mỗi ngày) nên việc hoàn tất một ca trực đến gần trưa hôm sau là việc thường xuyên diễn ra ở đây.
“Có những cuộc gọi tỏ ra khá gấp gáp khiến chúng tôi lập tức lên đường, đến nơi mới biết là trò đùa. Cả kíp cũng đã quen với việc này, cũng chỉ động viên nhau không có ai bị sao là tốt rồi. Nhưng vào những lúc có ca cần cấp cứu thật lại không có xe chạy đến đó, chúng tôi thực sự áy náy”.
Trong 10 cuộc gọi đến trung tâm, có đến 3-4 cuộc số máy ảo, trêu đùa. Anh Tân cho biết: “Có những số điện thoại một ngày gọi đến vài lần đến mức chúng tôi thuộc cả số, nếu không bắt máy thì họ vẫn tiếp tục gọi cho bằng được thì thôi. Nhưng chúng tôi vẫn phải nghe vì biết đâu có một lần nào đó họ cần cấp cứu”.
Công việc đi thu dung người nghi nhiễm được đặt lên hàng đầu, đỉnh điểm đêm ngày 7/3 lên đến 120 chuyến. Tuy nhiên, trung tâm vẫn phải đảm bảo các hoạt động cấp cứu khác diễn ra bình thường.
"Do người dân hạn chế ra ngoài nên những ca cấp cứu tai nạn giao thông giảm khoảng 30-40% nhưng những người đột quỵ, chấn thương... vẫn liên tục dồn về. Mỗi người chúng tôi phải làm việc gấp 2, gấp 3 ngày trước", bác sĩ Thắng cho hay.
Phía sau hồi chuông cấp cứu
Chục ngày nay, chiếc ghế ngủ được gấp ngay ngắn ở góc phòng trực. Chị Huyền, tổng đài viên, cho biết: “Bình thường mỗi khi có ai mệt thì nằm tạm đó ngủ. Hai người còn lại sẽ thức trực thay, rồi cứ luân phiên nhau như vậy”.
Nhưng từ ngày phát hiện ca mắc thứ 17, chiếc ghế chưa một lần được dùng. Các cuộc gọi liền nhau, bữa cơm tối hàng ngày diễn ra lúc 18h, nay lùi xuống 21h.
Cơm cũng được nấu ngay tại phòng để mọi người tranh thủ dùng bữa. Có lần bận rộn quá, nồi rau củ luộc xém cháy.
Nhân viên tại trung tâm được bồi dưỡng thêm mỗi người một chiếc bánh mì và một hộp sữa. Có người thêm vài quả trứng và cốc cà phê. Có những lần chiếc bánh mì chưa nuốt kịp nhưng có chuông báo, thế là cả người, cả bánh cùng leo lên cabin.
"Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ phải làm, không vì nguy cơ lây nhiễm cao mà từ bỏ. Cán bộ, nhân viên trong trung tâm được tập huấn kỹ càng từ những ngày dịch SARS, H5N1, H1N1 đã lên sân bay hỗ trợ kiểm dịch quốc tế nên cũng trang bị cho mình một số kinh nghiệm. Mệt thì có mệt đấy nhưng với quy trình và đồ bảo hộ cẩn thận nên chẳng ai ngại ngùng gì", bác sĩ Trần Anh Thắng chia sẻ.
10h, chuyến xe cuối cùng trong ca trực của điều dưỡng Liên B kết thúc. Giao ban xong, đồng hồ cũng điểm 11h. Chị và đồng nghiệp trở về nhà cho kịp giờ cơm trưa với gia đình. Có những quãng đường về nhà dài 30 cây số.
Tại Trung tâm cấp cứu 115, bác sĩ mới vào làm có mức lương khoảng 3,5 triệu đồng, bác sĩ có thâm niên 10-15 năm là 7,5 triệu đồng, điều dưỡng và lái xe thấp hơn từ 1-1,5 triệu đồng, tổng đài viên có lương từ 4-6 triệu đồng. Họ làm việc quá 24 tiếng và thời gian nghỉ ngơi chưa đầy 40 tiếng để bắt đầu môt ca trực mới, gần như không ai có khả năng làm thêm công việc khác.
Nhà ở Đông Anh, nơi đất nông nghiệp còn nhiều nên điều dưỡng Liên B hay tổng đài viên Tân có thêm "nghề tay trái". Với mảnh đất thuê được, chị trồng thêm vài loại rau củ, 20 con gà vừa đảm bảo thực phẩm cho gia đình, vừa bán cho đồng nghiệp bởi thực phẩm sạch, ai cũng yên tâm. Trong khi đó, anh Tân phụ giúp gia đình bán hàng, thỉnh thoảng trở thành shipper đi giao trứng vịt.
Chị Liên B có hai con nhỏ tâm sự: "Đi làm như thế này cũng lo lắm nhưng cả gia đình động viên rồi việc bảo hộ hiện nay cũng khá tốt nên tôi an tâm hơn phần nào".
Trong khi đó, bác sĩ Hạnh gửi con sang nhà ông bà ngoại để tiện trông nom: "Có một mình nên đôi lúc không đảm bảo việc chăm sóc các cháu. Mùa dịch này các con được nghỉ mà mẹ thì làm 24 tiếng như thế này nên có ông bà, tôi cũng chuyên tâm làm việc hơn".