Xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại xã Đồng Tâm: Luật pháp nghiêm khắc nhưng rộng lượng

Ngày 9/9, HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 29 bị cáo ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội).
Xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại xã Đồng Tâm: Viện kiểm sát đề nghị áp dụng mức án tử hình đối với 2 bị cáo Xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại xã Đồng Tâm: Các bị cáo đều nhận tội và xin lỗi gia đình các chiến sỹ Công an hy sinh Xét xử vụ án Đồng Tâm: Các bị cáo đầu vụ nhận tội Không khoan nhượng trước tội ác và phải bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật

Đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo

Tại phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội trình bày quan điểm luận tội.

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Theo đó, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định thay đổi tội danh truy tố với 19 bị cáo, gồm: Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Thị Nối, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Xuân Điều, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Thị Đục, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung từ tội “Giết người” (Điều 123 - Bộ luật Hình sự năm 2015) sang tội “Chống người thi hành công vụ” (Điều 330 - Bộ luật Hình sự năm 2015).

Đối với nhóm 6 bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Tuyển, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định giữ nguyên tội danh “Giết người” như cáo trạng đã truy tố.

Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đưa ra đề nghị mức án đối với 29 bị cáo.

Với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 2 bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức mức án tử hình; Lê Đình Doanh mức án tù chung thân; Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến mức án 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển mức án 14-16 năm tù.

Đối với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt: Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân mức 6-7 năm tù; Bùi Văn Tiến mức 5-6 năm tù; các bị cáo: Lê Đình Quân, Trịnh Văn Hải, Bùi Thị Nối mức 4-5 năm tù; các bị cáo: Bùi Thị Đục, Bùi Văn Tuấn, Trần Thị La, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Xuân Điều mức 3-4 năm tù; các bị cáo: Nguyễn Thị Lụa mức 2 năm 6 tháng - 3 năm tù; Mai Thị Phần, Bùi Văn Niên mức 2 năm - 2 năm 6 tháng tù; Lê Thị Loan mức 2 năm 6 tháng - 3 năm tù treo; Đào Thị Kim mức 2 năm - 2 năm 6 tháng tù treo; Nguyễn Văn Trung mức 18-24 tháng tù treo; các bị cáo: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng mức 15-18 tháng tù treo.

Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa nhận định, nhóm 19 bị cáo được đề nghị thay đổi tội danh đã tích cực chuẩn bị công cụ, phương tiện, các loại hung khí nguy hiểm, hoạt động theo sự phân công của Lê Đình Kình và Lê Đình Công. Do đó, đánh giá một cách tổng thể, hành vi của 19 bị cáo này đều đồng phạm giúp sức cho các bị cáo khác về tội "Giết người" như cáo trạng đã truy tố là có căn cứ pháp luật.

Tuy nhiên, sau khi đánh giá lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra và lời khai tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy: Hầu hết bị cáo là nông dân, khi bị Lê Đình Kình, Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu lôi kéo và kích động, họ đã đi theo nhằm thực hiện những hành vi phạm pháp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an tại địa phương.

Do bị lôi kéo, kích động nên từng bị cáo đã tham gia thực hiện tội phạm ở từng giai đoạn với mức độ nhất định. Trong đó, có bị cáo làm thủ quỹ, đưa tiền, góp tiền mua xăng, mua lựu đạn; có bị cáo trực tiếp làm bom xăng, bùi nhùi, mua pháo sáng, chuẩn bị gạch, đá; có bị cáo tham gia vận chuyển, chuẩn bị phương tiện để giúp sức cho nhóm của Công thực hiện tội phạm giết người.

"Hành vi của các bị cáo có tổ chức, có sự phân công vai trò của từng người, thể hiện tính côn đồ hung hãn, coi thường, bất chấp pháp luật, giết người dã man", đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng qua xét hỏi công khai tại tòa, các bị cáo đã cơ bản biết rằng vì nhận thức pháp luật hạn chế, do được hứa hẹn nên đã mù quáng tin tưởng và đi theo Lê Đình Kình. Các bị cáo đã nhận thức được sai phạm, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải.

Về bản chất, các bị cáo này đều không phải là những đối tượng chống đối quyết liệt, tham gia có mức độ, phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp và đặc biệt là không trực tiếp thực hiện hành vi dẫn đến hậu quả làm 3 cán bộ công an tử vong.

Do vậy, Viện Kiểm sát đã vận dụng chính sách pháp luật hình sự, đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước, để áp dụng tội danh nhẹ hơn và theo đó áp dụng hình phạt nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với một số bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.

Trên cơ sở đó, căn cứ vào Điều 319 - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ” và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt, để các bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật, yên tâm cải tạo, tu dưỡng thành công dân có ích cho xã hội khi trở về địa phương.

Vận dụng chính sách khoan hồng của pháp luật

Theo dõi phiên tòa xét xử qua báo chí, người dân và dư luận bày tỏ những bức xúc trước những tội ác của những kẻ đã gây ra cái chết của 3 chiến sỹ công an; đồng thời cũng đồng tình với kiến nghị nhân văn của Viện kiểm sát thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, mở một lối cho các bị cáo một con đường để làm lại cuộc đời.

Với vai trò cầm đầu, bị cáo Lê Đình Chức bị đề nghị áp dụng án tử hình
Với vai trò cầm đầu, bị cáo Lê Đình Chức bị đề nghị áp dụng án tử hình

Có được sự khoan hồng này vì từ khi bị bắt, qua xét hỏi công khai tại tòa, 19 bị cáo đã thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải đã cơ bản biết rằng vì nhận thức pháp luật hạn chế, do được hứa hẹn nên đã mù quáng tin tưởng và đi theo Lê Đình Kình.

Cha ông ta đã có lời chỉ dạy "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta nghiêm khắc nhưng cũng thật nhân đạo, khoan dung. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật nếu thực sự ăn năn, hối lỗi bằng việc tự thú, thành khẩn khai báo, góp phần khắc phục hậu quả tiêu cực cho xã hội mà mình đã gây ra luôn được xem xét, giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm pháp lý khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Quan tâm, theo dõi phiên tòa xét xử vụ án trong mấy ngày qua, chị Nguyễn Thanh Hòa (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: “Qua phiên tòa trên có thể khẳng định, luật pháp luôn khoan hồng với những người biết nhận lỗi và ăn năn, hối cải, nhưng luật pháp cũng rất nghiêm khắc với những người vi phạm luật pháp nghiêm trọng mà vẫn ngoan cố, không nhận lỗi. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 2 bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức mức án tử hình là sự nghiêm khắc, đúng pháp luật không chỉ với các hành vi độc ác của hai bị cáo này, mà còn là cảnh cáo nghiêm khắc đối với những kẻ ác khác”.

Anh Nguyễn Duy Thanh (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ: "Qua theo dõi phiên tòa xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, tôi thấy phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát là rất nghiêm minh. Bên cạnh việc đưa ra hình phạt nghiêm khắc nhằm giáo dục, răn đe các bị cáo thì cũng thể hiện sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với công dân lầm đường lạc lối. Tôi hi vọng qua vụ án đặc biệt nghiêm trọng này là bài học cho người dân trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước".

Trong vụ án này, quá trình điều tra, xét xử, 19 bị cáo có sự thành khẩn khai báo; thì đây sẽ là những tình tiết để Hội đồng xét xử cân nhắc, áp dụng chính sách khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt theo quy định của pháp luật.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động