Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, không được lồng ghép "lợi ích nhóm"

TTTĐ - Sáng 3/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV: Nội dung trọng tâm là xây dựng pháp luật
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Phát biểu quán triệt và chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, để duy trì trật tự, kỷ cương xã hội, tạo hành lang pháp lý cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng pháp luật.

Trong công tác xây dựng pháp luật, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, phải chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”; Không được lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý Nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại Nhà Quốc hội.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại Nhà Quốc hội

Công tác xây dựng luật cần tập trung xử lý, khắc phục ngay tình trạng văn bản luật tính dự báo yếu, thiếu ổn định, "luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Không được để xảy ra tình trạng luật mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư... Điều này gây nên sự thiếu niềm tin của Nhân dân vào luật pháp, lo ngại của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài về tính ổn định, minh bạch trong các quy định của pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo Thường trực Ban Bí thư, trong quá trình vận hành của xã hội cho thấy, nhiều vấn đề luật pháp chưa thể theo kịp thực tiễn, quy định pháp luật xa rời cuộc sống; Chưa đủ chế tài để xử lý hoặc xử lý không triệt để những vấn đề mới nảy sinh, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ. Trong đó có vấn đề lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm người khác; Tội phạm trên không gian mạng tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt đời sống xã hội...

Bởi vậy, trong quá trình xây dựng pháp luật phải bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh. Tuy nhiên, chúng ta phải bình tĩnh, nghiên cứu, dự báo thấu đáo, khoa học những vấn đề của thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận xã hội.

Thường trực Ban Bí thư đề nghị tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật; Phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp.

Các cơ quan hữu quan phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật; Thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là dự báo, đánh giá tác động của chính sách, việc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến người dân, doanh nghiệp - đối tượng chịu sự tác động của luật; Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật; Đề cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh của các đại biểu Quốc hội; Tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc tham gia xây dựng pháp luật.

Trong sáng nay, hội nghị nghe giới thiệu nội dung Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Thảo luận về các nội dung đặt ra trong quá trình thực hiện.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động