WHO phát động sáng kiến vaccine toàn cầu chống Covid-19
WHO khen ngợi khả năng ứng phó với dịch Covid-19 của Việt Nam WHO cảnh báo cẩn trọng khi dỡ phong tỏa Trump cắt ngân sách cho WHO giữa đại dịch Covid-19: Giọt nước tràn ly? |
"Chúng ta đang đối mặt với cùng một mối đe dọa mà chúng ta chỉ có thể đánh bại bằng một cách tiếp cận chung", giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu khai mạc cuộc họp ngày 24/4.
"Kinh nghiệm cho thấy dù công cụ có sẵn cũng chưa chắc tiếp cận được hết mọi người. Chúng ta không thể cho phép điều này xảy ra", ông nói.
Sáng kiến nhằm mục đích tăng tốc độ nghiên cứu phát triển các loại thuốc, phương pháp xét nghiệm, vaccine an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị Covid-19 cũng như bệnh phổi do nó gây ra, đồng thời đảm bảo người giàu và người nghèo đều được quyền tiếp cận bình đẳng.
Tổng thống Pháp Macron thảo luận với Giám đốc WHO Tedros trong cuộc họp trực tuyến hôm 24/4. Ảnh: Reuters. |
Các nhà lãnh đạo châu Á, Trung Đông và châu Mỹ cũng tham gia hội nghị nhưng một số nước lớn không tham dự, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Phát ngôn viên của phái đoàn Mỹ tại Geneva thông báo trước Mỹ sẽ không tham gia.
"Dù Mỹ không tham dự cuộc họp đang được thảo luận, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm tiếp tục dẫn đầu trong các vấn đề sức khỏe toàn cầu, bao gồm cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện tại", ông trả lời qua email.
"Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về hiệu quả của WHO vì những thất bại ban đầu của tổ chức này khiến dịch lan rộng như hiện nay", ông nói.
Tổng thống Mỹ Donal Trump đã tuyên bố cắt viện trợ cho WHO, chỉ trích tổ chức này chậm phản ứng khi dịch bùng phát và thiên vị Trung Quốc. Tuy nhiên, Giám đốc WHO Tedros kiên quyết bảo vệ cách thức WHO xử lý dịch và cam kết đánh giá sau dịch như từng làm với mọi cuộc khủng hoảng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nằm trong số những lãnh đạo thế giới tham gia hội nghị, đồng thời lên tiếng ủng hộ WHO.
Macron kêu gọi tất cả các nước G7 và G20 hãy ủng hộ sáng kiến, nói thêm "tôi hy vọng chúng ta xoay quanh sáng kiến này, cùng Mỹ và Trung Quốc đạt được đồng thuận bởi nó nói lên 'cuộc chiến chống Covid-19 vì lợi ích chung của nhân loại, muốn chiến thắng, không nên chia rẽ'".
"Sáng kiến liên quan tới lợi ích chung toàn cầu nhằm sản xuất vaccine và phân phối nó đến mọi nơi trên thế giới", bà Merkel nói.
Ramaphosa, chủ tịch Liên minh châu Phi, cảnh báo lục địa này có cơ sở y tế kém, "cực kỳ dễ bị tổn thương trước sự tàn phá của nCoV và cần được hỗ trợ".
Trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009 đã có những chỉ trích rằng việc phân phối vaccine không công bằng vì nước giàu mua được nhiều hơn.
"Chúng ta cần đảm bảo những người cần thuốc, cần vaccine, sẽ được cung cấp đầy đủ", Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét, nói. "Cần rút ra bài học từ AIDS. Hàng triệu người đã chết trước khi thuốc kháng virus retro được sử dụng rộng rãi".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết mục tiêu là tạo ra một nỗ lực cam kết toàn cầu vào ngày 4/5 nhằm xây dựng quỹ 8,10 tỷ USD để đẩy mạnh công tác phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị nCoV.
"Đây chỉ là bước đầu tiên, trong tương lai vẫn cần nhiều hơn nữa", von der Leyen nói.
Hơn 2,7 triệu người trên thế giới đã nhiễm nCoV và gần 190.00 người tử vong sau khi Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái.
Đã có hơn 100 vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu và phát triển, bao gồm 6 loại đang được thử nghiệm lâm sàng, theo tiến sỹ Seth Berkley, giám đốc điều hành liên minh vaccine GAVI, đối tác công tư dẫn đầu các chiến dịch tiêm chủng ở các nước nghèo.
"Chúng ta cần đảm bảo có đủ vaccine cho mọi người, chúng ta cần sự lãnh đạo toàn cầu để xác định và ưu tiên những nơi cần vaccine", ông nói.
Yuan Qiong, cố vấn chính sách và pháp lý cao cấp của tổ chức y tế nhân đạo Bác sĩ Không Biên giới, hoan nghênh các cam kết nhưng kêu gọi từng bước cụ thể. "Không thể xảy ra bất kỳ sự độc quyền sáng chế và trục lợi từ Covid-19", bà nói.