Vụ học sinh tử vong do bị bỏ quên trên ô tô: Cần khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Nguyễn Quang Tâm cho rằng cần phải khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng liên quan trực tiếp tới cái chết thương tâm của em học sinh Trường Gateway (Gateway International School).
Hà Nội: Học sinh tử vong thương tâm vì bị Trường Quốc tế Gateway bỏ quên trên xe ôtô

Liên quan đến vụ cháu Lê Hồng L (6 tuổi, học sinh lớp 1 tại Trường Gateway - tên tiếng Anh là Gateway International School), con trai của anh Lê Văn Sơn (trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên ô tô đưa đón của nhà trường, PV Tuổi trẻ và Pháp luật đã trao đổi với luật sư Nguyễn Quang Tâm - Công ty luật Phúc Quang (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về sự việc.

Theo luật sư Nguyễn Quang Tâm, với hậu quả nghiêm trọng là làm chết người, các cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc để làm rõ mọi vấn đề. Từ đó chỉ ra trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, trước mắt cần phải khởi tố vụ án để tiến trình điều tra được khách quan, chi tiết, đầy đủ theo đúng các quy định của pháp luật.

vu hoc sinh tu vong do bi bo quen tren o to can khoi to truy cuu trach nhiem hinh su
Gia đình nạn nhân và đại diện Gateway International School làm việc với cơ quan chức năng

Luật sư cũng bày tỏ một số quan điểm đối với trách nhiệm của một số đối tượng liên quan trực tiếp tới cái chết thương tâm của cháu bé.

Cụ thể, việc bỏ quên cháu bé trên xe khiến nạn nhân tử vong, trách nhiệm chính và đầu tiên thuộc về những người làm nhiệm vụ đưa, đón học sinh. Quy trình nhận, đón bé lên xe, đưa bé vào lớp đã không thực hiện đúng và đầy đủ nên một học sinh ở lại trên ô tô cũng không ai biết. Không một lý do nào có thể biện minh cho hành động thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng này.

vu hoc sinh tu vong do bi bo quen tren o to can khoi to truy cuu trach nhiem hinh su
Luật sư Nguyễn Quang Tâm – Công ty luật Phúc Quang (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Tiếp đó là trách nhiệm của lái xe chở học sinh. Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT thì lái xe phải tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp và phải được cấp chứng chỉ qua đào tạo nghiệp vụ của lái xe theo quy định. Đồng nghĩa với việc khi đón và trả học sinh theo lộ trình được phân công, lái xe phải nắm rõ số lượng học sinh lên xe, xuống xe. Đặc biệt, trước khi đưa xe về gara, bến bãi, lái xe phải kiểm tra phương tiện.

Khoảng thời gian từ khi các học sinh khác xuống xe hết, cửa ô tô đóng lại cho tới lúc cháu bé rơi vào tình trạng tử vong, nếu lái xe tuân thủ đúng nguyên tắc nghề nghiệp, kiểm tra phương tiện thì có lẽ em học sinh đã không phải chịu cái chết đau xót như vậy.

vu hoc sinh tu vong do bi bo quen tren o to can khoi to truy cuu trach nhiem hinh su
Lãnh đạo, cán bộ giáo viên Trường Gateway tại Bệnh viện E trong buổi đối thoại với gia đình nạn nhân

Điều khiến phụ huynh và nhiều người bức xúc nhất có lẽ là sự tắc trách của chính cán bộ, giáo viên Trường Quốc tế Gateway.

Bởi lẽ, theo tường trình, giáo viên lên lớp đã báo cáo điểm danh trên hệ thống của nhà trường rằng cháu bé vắng mặt. Chưa nói tới lương tâm nghề giáo, theo quy định giáo viên chủ nhiệm, hoặc người phụ trách lớp phải có trách nhiệm thông báo cho gia đình học sinh.

Tuy nhiên, từ khoảng 7h30 sáng cho tới hơn 16h chiều, sau khi phát hiện cháu bé bị quên trên xe thì gia đình mới nhận điện thoại báo. Lý do không điện báo gia đình được lãnh đạo Trường Gateway đưa ra tối 6/8 là do “Giáo viên phụ trách việc thông báo cho phụ huynh nghỉ ”.

Tuy nhiên theo luật sư, lý do này không thể biện minh cho sự tắc trách của nhà trường. Bởi giả thiết nếu không phải một mà nhiều em học sinh vắng mặt vì những lý do khác, nếu xảy ra sự việc không may mắn tổn hại sức khỏe, tính mạng của các em trong khi phụ huynh vẫn yên tâm rằng con đang ở trường học, ai là người đứng ra chịu trách nhiệm?

vu hoc sinh tu vong do bi bo quen tren o to can khoi to truy cuu trach nhiem hinh su
Thi thể em học sinh tử vong do bị bỏ quên trên ô tô

Theo luật sư Nguyễn Quang Tâm, những người chịu trách nhiệm về cái chết của cháu bé có thể phải đối mặt với tội danh vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Theo đó, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Những người có trách nhiệm dù phải đối mặt với bất kỳ tội danh nào cũng không thể bù đắp cho sự mất mát của gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, cần truy tố trước pháp luật các cá nhân trực tiếp để xảy ra sự việc nhằm răn đe, cảnh tỉnh những người đang thực hiện các công việc phục vụ sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Chính Thuần
Phiên bản di động