Vụ đâm xe vào cây xăng 111 đường Láng: Tài xế có thể chịu mức án cao lên đến 15 năm tù
Quận Đống Đa (Hà Nội): Tài xế bị tạm giữ sau khi lao ô tô vào cây xăng đường Láng khiến nhiều người bị thương Cần điều tra, giám định tài xế "xe điên" gây tai nạn liên hoàn để có kết luận khách quan |
Xác định hậu quả vụ tai nạn làm căn cứ xử lý
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đưa tin, khoảng 22h15, ngày 12/8, chiếc xe ô tô 4 chỗ Honda City, biển kiểm soát 30H-758.XX đã bất ngờ lao vào cây xăng 111 đường Láng, đâm hàng loạt xe máy và nhân viên cây xăng, khiến ít nhất 8 người bị thương nặng và được người dân đưa đi cấp cứu ngay sau đó.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với Tuổi trẻ và Pháp luật, theo TS.LS Đặng Văn Cường, trường hợp có căn cứ cho thấy người điều khiển chiếc xe Honda City này đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn xảy ra hậu quả không có nạn nhân nào thiệt mạng nhưng thương tích của người bị hại từ 61% trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Tài xế lao thẳng xe ô tô vào cây xăng đường Láng |
Cơ quan chức năng sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, đưa nạn nhân đi cấp cứu, sẽ sơ đồ hiện trường, thu thập các dấu vết, chứng cứ để lại trên hiện trường, tạm giữ các phương tiện giao thông có liên quan và lấy lời khai của người làm chứng, lời khai của người điều khiển chiếc ô tô mang hiệu Honda City gây tai nạn để xác định nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi và xác định hậu quả của vụ tai nạn để có căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông phải chú ý quan sát, làm chủ tốc độ, giữ khoảng cách với các phương tiện phía trước, khi chuyển hướng phải bật đèn tín hiệu, dừng đỗ đúng quy định và không được uống rượu bia khiến khi tham gia giao thông trong khí thở hoặc trong máu có nồng độ cồn.
Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn giao thông gây tai nạn khiến nạn nhân tử vong, thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì người điều khiển phương tiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm và người gây tai nạn còn vi phạm nồng độ cồn thì hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự sẽ là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm tù.
Nồng độ cồn vượt khung, tài xế có thể đối mặt án tù cao
Vụ tai nạn xảy ra tại cây xăng 111 đường Láng, với hướng đi từ Cầu Giấy về ngã tư Sở thì cây xăng này nằm ở vị trí giữa đường, đúng chỗ ngã ba, ở vị trí đoạn cua, đường cong. Nếu người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát thì việc lao xe vào cây xăng hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vậy, trong vụ việc này rất có thể lỗi của người điều khiển phương tiện là đi quá tốc độ và thiếu chú ý quan sát nên không bẻ lái khiến chiếc xe lao thẳng vào cây xăng gây tai nạn.
Ngô Công Hán (SN 1987, trú tại Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) tại cơ quan công an |
Qua thông tin bước đầu từ phía cơ quan chức năng thì người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,9mg/1l khí thở, đây là nồng độ cồn vượt quá mức cao nhất mà pháp luật quy định ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi của người tham gia giao thông, có thể là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Bởi vậy, việc xác định yếu tố lỗi (không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát) và vi phạm nồng độ cồn trong trường hợp này là tương đối rõ, vấn đề còn lại là hậu quả có nghiêm trọng hay không. Nếu có nạn nhân từ 61% trở lên hoặc có hai nạn nhân thường tích tỉ lệ cộng dồn đến 61% thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ để xử lý đối với người điều khiển phương tiện này.
Trường hợp gây thương tích cho nhiều người mà tổng tỉ lệ thương tích từ 122% trở lên hoặc trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định thì hình phạt là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Trường hợp gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của ba người trở lên mà tổng tỉ lệ thương tích của những người này từ 201% trở lên thì hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm...
TS.LS Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội |
Như vậy, rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý với người điều khiển phương tiện này nếu như xác định được thương tích của người bị hại.
Đây là một vụ việc rất đáng tiếc, rất đau lòng khi nguyên nhân ban đầu được xác định là do người điều khiển vi phạm nồng độ cồn, không làm chủ tốc độ. Hậu quả gây thương tích cho nhiều người, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, đời sống, hạnh phúc gia đình của các nạn nhân, gây lo lắng trong cộng đồng. Bởi vậy, ngoài việc xử lý nghiêm minh đối với người vi phạm thì cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là luật phòng chống tác hại rượu bia và luật giao thông đường bộ, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nồng độ cồn để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Tội danh và hình phạt theo Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Làm chết 2 người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Làm chết 3 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”. |