Vụ Big C dừng đơn hàng: Bài học 'Trạng chết, Chúa cũng băng hà'!
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, ngày 2/7, Central Group Việt Nam đã gửi thông báo đến các nhà cung cấp về việc dừng mua các sản phẩm may mặc trong nước.
Theo đó, Central Group Việt Nam cho biết nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam. Đơn vị này quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp của Việt Nam cho siêu thị Big C, kể từ tháng 7/2019.
Trong thư gửi các nhà cung cấp, Central Group Việt Nam nhấn mạnh, kể từ tháng 7/2019 cho đến khi có thông báo mới, đơn vị sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng hợp tác thương mại ký kết giữa đối tác và đơn vị này.
Tuy nhiên, sau đó việc làm này đã bị hàng trăm nhà cung cấp sản phẩm dệt may của Việt Nam phản ứng. Tại cuộc gặp giữa Bộ Công Thương với Central Group ngày 4/7, đại diện Central Group cho biết đang xây dựng chương trình xem xét lại danh mục hàng hóa nên có việc tạm dừng mua hàng của một số doanh nghiệp may mặc Việt Nam, quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 15 ngày.
![]() |
Hệ thống siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. |
Tại cuộc làm việc, đại diện Central Group cam kết mở đơn hàng cho 50 trên tổng số 200 nhà cung cấp sản phẩm dệt may cho Big C Việt Nam ngày trong ngày 4/7. Trong 2 tuần tới họ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp của Việt Nam và sẽ có khoảng 100 nhà cung cấp nữa tiếp tục được mở đơn hàng; 50 nhà cung cấp còn lại sẽ phải làm việc kỹ hơn do chưa bảo đảm được những cam kết theo hợp đồng đã ký kết giữa các bên.
Theo đại diện Central Group Việt Nam, việc họ làm là tuân thủ đúng tinh thần hợp đồng đã ký giữa Central Group với các nhà cung cấp Việt Nam và các quy định pháp luật Việt Nam. Được biết, Central Group đã mua lại Big C và có quyền sở hữu trong thời hạn 10 năm. Hiện nay, họ có 4.000 nhà cung cấp Việt Nam, trong đó có 200 doanh nghiệp chuyên hàng may mặc.
Liên quan đến vụ việc này, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, mặc dù chủ chuỗi siêu thị Big C Việt Nam đã cam kết tiếp tục mở đơn hàng nhưng các nhà cung cấp Việt cần lấy đó làm bài học để phát triển kênh phân phối sản phẩm của mình, đặc biệt không chỉ là sản phẩm may mặc và tất cả các ngành hàng khác cũng có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự trong tương lai.
Các vị chuyên gia nhấn mạnh, việc hợp tác giữa các siêu thị và nhà cung cấp là hợp tác kinh doanh nên sẽ phải có lợi cho đôi bên, tuy nhiên cũng sẽ cạnh tranh rất khắc nghiệt, đặc biệt là giữa các siêu thị có chủ là người nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể phụ thuộc mãi mà phải tự phát triển hệ thống kênh phân phối sản phẩm, phải làm thương hiệu để tự đứng trên ''đôi chân'' của mình.
"Vụ việc Big C vừa qua đã cho doanh nghiệp của chúng ta một bài học, nếu chỉ trông chờ vào kênh phân phối ở các siêu thị sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Bởi nếu chẳng hạn chủ chuỗi Big C kinh doanh không tốt dẫn đến siêu thị bị chuyển nhượng, ngưng hoạt động đến lúc đó thì "Trạng chết chúa cũng băng hà''. Hơn nữa, các siêu thị cũng có đủ chiêu trò từ tăng chiết khấu đến tăng điều khoản khắt khe khiến các nhà cung ứng muốn ở lại cũng không được mà sẽ phải tự rời đi'', vị chuyên gia nhận định.
Cũng theo các vị chuyên gia, khi hết hợp đồng hợp tác thì đơn vị quản lý chuỗi siêu thị cũng có quyền chấm dứt hợp đồng để đảm bảo quyền, lợi ích của họ trên các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Hơn nữa, hiện tại Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể nào về tỷ lệ tham gia của hàng hóa nội địa tại các chuỗi siêu thị nước ngoài nên cũng khó có thể bắt họ phải hợp tác với các nhà cung cấp Việt Nam.
''Vấn đề là khi triển khai đàm phán, ký kết hợp đồng hợp tác phía nhà cung cấp và siêu thị cần có những quy định rõ ràng từ tiêu chuẩn hàng hóa đến việc đảm bảo lợi ích lâu dài của các bên cũng phải rất chặt chẽ, tránh xảy ra những tranh chấp khi không còn là đối tác của nhau'', một vị chuyên gia chia sẻ.
Vào tháng 4/2016, Central Group đã thoái toàn bộ cổ phần tại Big C Thái Lan để mua lại Big C Việt Nam từ tay đại gia Casino, giá trị thương vụ lên đến 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD). Thời điểm chuyển nhượng, việc làm ăn của Big C Việt Nam có dấu hiệu đi xuống và từ khi về tay đại gia Thái cũng chưa được cải thiện. Trong đó, Big C Thăng Long ở Hà Nội, hệ thống siêu thị lớn nhất của hệ thống Big C tại Việt Nam chỉ đạt lợi nhuận 193 tỷ đồng năm 2017 (năm 2015 đạt 211 tỷ đồng). Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị Big C An Lạc ở TP HCM cũng 50% lợi nhuận so với năm 2015 từ 184 tỷ đồng xuống còn 92 tỷ đồng. |