Vĩnh Phúc: Sở GD&ĐT siết quản lý dịch vụ tư vấn du học
Theo số liệu từ Sở Giáo dục & Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 14 tổ chức, doanh nghiệp tư vấn, kinh doanh du học. Từ năm 2014 – 2018, các tổ chức này đã đưa 645 học sinh đi du học. Đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Phúc chưa có trường hợp du học sinh sang Nhật Bản vi phạm pháp luật, cũng chưa phát hiện công ty tư vấn du học, kinh doanh du lịch vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, trước tình hình chung số thực tập sinh kỹ năng, du học sinh Việt Nam vi phạm pháp luật tại Nhật Bản ngày càng tăng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Công văn số 906 về việc thực hiện biện pháp giải quyết tình trạng thực tập sinh kỹ năng, du học sinh Việt Nam vi phạm pháp luật tại Nhật Bản.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động dịch vụ tư vấn du học. Trong đó, yêu cầu các tổ chức dịch vụ tư vấn du học phải hoạt động đúng theo quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện việc tuyển chọn, đào tạo định hướng, đưa học sinh đi du học đúng quy định của nhà nước; thu phí, lệ phí đúng quy định; minh bạch việc thực hiện thu phí và lệ phí đưa học sinh đi du học.
Đặc biệt, không được dùng vỏ bọc tuyển du học sinh để môi giới trá hình, thiếu đạo đức để đưa học sinh đi làm việc ở nước ngoài trái pháp luật. Các tổ chức dịch vụ tư vấn du học cần rà soát học sinh của đơn vị mình đã đưa đi du học về việc thực hiện pháp luật tại nước theo học.
Sở này cũng yêu cầu các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh cần cung cấp thông tin các trang web chính thức của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đến phụ huynh và học sinh để tránh tình trạng lừa đảo, cung cấp thông tin không chính xác của các công ty du học; tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi giao lưu, liên kết với các công ty du học; có công văn báo cáo Sở mọi hoạt động liên kết với nước ngoài của đơn vị; Hiệu trưởng và Giám đốc các Trung tâm chịu hoàn toàn trách nhiệm với các hoạt động giao lưu hợp tác của đơn vị.