Việt Nam tiêm gần 265 triệu liều vắc xin COVID-19

Theo thống kê của Bộ Y tế số ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nặng vài ngày nay có dấu hiệu giảm nhẹ. Việt Nam tiêm gần 265 triệu liều vắc xin COVID-19.
Gần 3.000 ca mắc COVID-19 trong 1 tuần

Ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nặng đều giảm

Bộ Y tế cho biết, ngày 11/12 có 194 ca COVID-19, giảm hơn 200 ca so với ngày 10/12 và là ngày có số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong gần 2 tháng qua. Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp nước ta không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.520.639 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.425 ca nhiễm).

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.609.621 ca; trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 47 ca (ngày 11/12 có số bệnh nhân nặng thấp nhất trong tuần qua), trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 44 ca; Thở máy xâm lấn: 3 ca.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với Châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ Châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.

Ngoài ra, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Việt Nam tiêm gần 265 triệu liều vắc xin COVID-19 nhưng vẫn còn nhiều tỉnh, thành tiêm thấp

Thống kê của Bộ Y tế thấy, tổng số mũi vắc xin COVID-19 đã tiêm ở nước ta đến nay là: 264.921.803 mũi.

Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 đạt tổng số 51.646.847 mũi tiêm (chiếm tỷ lệ 79,9%). Trong đó, 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,8%); Bình Định (60,4%); Phú Yên (62,2%); Đồng Nai (53,8%); Đồng Tháp (60%); 3 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (100%); Sóc Trăng (100,4%). Về tiêm mũi 4: Tổng số có 17.218.631 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 87,9%).

Việt Nam tiêm gần 265 triệu liều vắc xin COVID-19
Ảnh minh họa

Đối với nhóm từ 12- dưới 18 tuổi: Tiêm mũi 3 là 5.769.414 trẻ (đạt tỷ lệ 68,2 %). Trong đó, 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (41%); Phú Yên (48,4%); Bình Thuận (44%); TP HCM (36,4%); Đồng Nai (42,9%); 3 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Lâm Đồng (94,1%); Bến Tre (94,8%).

Đối với nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm là 17.944.425, trong đó mũi 1: 10.178.518 trẻ (đạt tỷ lệ 92,2%). Trong đó, 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (76,9%); Quảng Trị (78,8%); Thừa Thiên - Huế (83%); Đà Nẵng (68,1%); TP HCM (64,2%).

Mũi 2: 7.765.907 trẻ (đạt tỷ lệ 70,4%). Trong đó: 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (51%); Đà Nẵng (34,7%); Quảng Nam (42,5%); TP HCM (39%); Đồng Nai (49,9%).

Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vắc xin vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Do đó, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu các cơ quan chuyên môn theo dõi, cập nhật khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.

Báo cáo dịch tễ hằng tuần phát hành sáng 8/12 (giờ Việt Nam) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy số ca COVID-19 ở "điểm nóng" của thế giới là Tây Thái Bình Dương lần đầu giảm tận 10% sau nhiều tuần tăng liên tiếp, sau khoảng nửa tháng "nguội dần" ở Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc, 3 nước thường chiếm phần lớn số ca.

Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) bày tỏ lo ngại các liệu pháp kháng thể điều trị COVID-19 giảm dần tác dụng trước các biến chủng mới nổi, do được thiết kế liên kết với protein gai của SARS-CoV-2 - cũng chính là vị trí mà các dòng Omicron sau này sinh ra vô số đột biến.

Hồi cuối tháng 11, FDA cũng rút giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với Bebtelovimab - một kháng thể đơn dòng của hãng dược Eli Lilly - vì kém hiệu quả với BQ.1 và BQ.11, cặp hậu duệ thoát miễn dịch "đang lên" của BA.5 Omicron. Trước đó, bác sĩ Anthony Fauci cảnh báo tương tự đối với một thuốc kháng thể khác là Paxlovid của Pfizer.

Phương Thu
Phiên bản di động