Việt Nam tăng 15 bậc trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử toàn cầu

Năm 2024, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Kinh tế - xã hội Việt Nam 2024: Vượt bão! Kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng trưởng 7,09%

Theo đó, cề chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), theo Báo cáo GII 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong đó, đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53; đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36.

Xếp hạng chính phủ điện tử toàn cầu, theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (E-Government Development Index - EGDI) của Liên hợp quốc, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức Rất cao và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003.

Việt Nam tăng 15 bậc trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử toàn cầu
Ảnh minh họa.

Về giá trị, chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2024 đạt 0,7709 điểm, là một trong những nước có EGDI ở mức Rất cao (có 39,4% các quốc gia được xếp ở nhóm này) và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,6382), của khu vực Châu Á (0,6990), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0,6928).

Trong bảng chỉ số tham gia điện tử (EPI) năm 2024, Việt Nam đạt 0,6027, xếp thứ 72 trên thế giới, cao hơn mức trung bình của thế giới (gần 0,5).

Về dịch vụ công trực tuyến, trên cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến ngày 30/12/2024, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.427 thủ tục; 2.645 dịch vụ công cho công dân, 2.409 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên cổng Dịch vụ công quốc gia khoảng 395,7 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng Dịch vụ công quốc gia khoảng 61 triệu hồ sơ.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông là 2 bộ có số Dịch vụ công trực tuyến cao nhất (số dịch vụ công trực tuyến tương ứng là 264 và 227; số thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến tương ứng là 264 và 217). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh Hòa Bình là 02 tỉnh có số dịch vụ công trực tuyến cao nhất (số dịch vụ công trực tuyến ương ứng là 1.701 và 1.667; số thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến lần lượt là 1.700 và 1.648).

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024 dịch vụ công trực tuyến đã đạt 45,0%, tăng 28,0% so với 2023. Hạ tầng số, thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,8%; tỷ lệ gia đình sử dụng internet cáp quang băng thông rộng đạt 82,9%.

Hậu Lộc
Phiên bản di động