Vì sao chưa khởi tố bị can trong vụ án xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nam?
Trước đó, tháng 7/2018, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội: 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ' xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hà Nam.
Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐ-ANĐT ngày 4/7/2018, có nội dung: Căn cứ đơn ông Phạm Văn Ảnh (Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn ATA; địa chỉ Lô P, Khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam - PV) tố cáo và các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, xác minh.
Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 BLHS, Đại tá Phạm Hoài Nam, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Được biết, đơn của ông Phạm Văn Ảnh tố cáo Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT tỉnh Hà Nam vào thời điểm năm 2007 không xem xét kỹ lưỡng hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh (ĐKKD) của Công ty CP phát triển Hà Nam (Công ty Hà Nam), đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần thứ 4, 5, 6, 7 cho cổ đông mới là Công ty CP tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam khi mua lại 98,03% cổ phần của Công ty CP ATA (do ông Phạm Văn Ảnh làm đại diện) tại Công ty Hà Nam mà chưa thực hiện hết các quyền và nghĩa vụ của bên mua.
Quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam.
Sau nhiều tháng khởi tố vụ án, đến nay, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Nam vẫn chưa có quyết định khởi tố bị can để điều tra những người có hành vi vi phạm pháp luật.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mới đây, Luật sư Hoàng Huy Được - Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Minh, là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Văn Ảnh đã có văn bản gửi ông Phạm Hoài Nam - Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam và ông Phạm Đồng Điện - Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đề nghị khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Hợi (nguyên Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Cụ thể, ngày 21/4/2007, Công ty cổ phần ATA do ông Phạm Văn Ảnh đại diện cho các cổ đông sáng lập sở hữu 93,35% cổ phần và bà Nguyễn Thị Thương là cổ đông sáng lập sở hữu 4,68% cổ phần tại Cty Hà Nam (Bên A, bên chuyển nhượng) ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCPCP với Bên B (bên nhận chuyển nhượng) là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (do Trần Anh Tuấn làm đại diện), với giá trị chuyển nhượng hơn 104 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi ký Hợp đồng chuyển nhượng, bên mua tạo dựng hồ sơ (dù không tổ chức họp Đại hội cổ đông) nhằm hợp thức hoá thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập tại Phòng ĐKKD.
Tại bản kiến nghị, Luật sư Được cho biết, Công ty Hà Nam được cấp giấy ĐKKD lần đầu vào ngày 12/8/2004, tính đến ngày 21/4/2007 khi ký Hợp đồng chuyển nhượng là chưa đủ thời gian ba năm. Vì vậy, việc đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập tại Công ty Hà Nam bắt buộc phải áp dụng theo khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Văn bản kiến nghị khởi tố bị can của Văn phòng luật sư Hoàng Minh.
Bên cạnh đó, Luật sư Được cũng chỉ ra rằng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập sở hữu 98,03% cổ phần tại Công ty Hà Nam cho người không phải là cổ đông sáng lập phải thoả mãn cả 02 điều kiện, thứ nhất là việc chuyển nhượng phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông và thứ hai là, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng đối với các cổ phần đó.
Tuy nhiên, hồ sơ đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập của Cty Hà Nam (được lưu giữ tại Phòng Đăng ký kinh doanh và Sở KHĐT tỉnh Hà Nam) lại cho thấy cả 03 (ba) cổ đông sáng lập cùng biểu quyết chuyển nhượng 100% cổ phần của mình cho 03 cổ đông không phải là cổ đông sáng lập. Việc cả ba (03) cổ đông sáng lập cùng biểu quyết chuyển nhượng 100% cổ phần của mình cho những người không phải là cổ đông sáng lập, nhưng vẫn được Phòng ĐKKD (mà cụ thể là ông Nguyễn Văn Hợi) cấp thay đổi ĐKKD lần 4, lần 5 cho Cty Hà Nam là trái quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp năm 2005, trái với quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP về Đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, theo luật sư Được, tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh như sau: “ 1.Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận kinh doanh cho doanh nghiệp”. Với trình độ nghiệp vụ của người đứng đầu Phòng ĐKKD khi xem xét hồ sơ đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập của Công ty Hà Nam, ông Nguyễn Văn Hợi phải biết rõ hồ sơ không hợp lệ và thuộc trường hợp phải từ chối cấp thay đổi ĐKKD hoặc ít ra là phải trả lại hồ sơ cho Cty Hà Nam để bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Mặc dù vậy ông Nguyễn Văn Hợi không từ chối cấp thay đổi ĐKKD, không trả lại hồ sơ để Công ty Hà Nam bổ sung theo quy định, mà vẫn cố ý cấp Giấy thay đổi ĐKKD lần 4, lần 5 cho Công ty Hà Nam đã có đầy đủ dấu hiệu phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Hành vi nêu trên của ông Nguyễn Văn Hợi đã tạo cơ hội cho ông Trần Anh Tuấn có tư cách cổ đông sáng lập công ty để đưa ông Phạm Như Hùng ngồi vào vị trí giám đốc Cty Hà Nam. Sau đó ông Trần Anh Tuấn đã chiếm đoạt toàn bộ tài sản của các nhà đầu tư đã ký hợp đồng với ông Phạm Văn Ảnh vào các năm 2005, 2006 và đầu năm 2007 để chuyển nhượng và cho người khác thuê”...
Cũng tại văn bản gửi ông Phạm Hoài Nam - Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam và ông Phạm Đồng Điện - Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam, Văn phòng luật sư Hoàng Minh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cũng đề nghị khởi tố bị can đối ông Trần Anh Tuấn về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại bản kiến nghị, luật sư Được cũng cho rằng, ông Trần Anh Tuấn đã có những hành vi có dấu hiệu phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 140 BLHS năm 1999, nay là Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Mặt khác, ông Trần Anh Tuấn còn là người soạn thảo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP với nội dung cam kết “về việc Bên B (do ông Trần Anh Tuấn đại diện) tiếp quản và thực hiện hợp đồng mà ông Phạm Văn Ảnh đã ký vào năm 2005, 2006 và đầu năm 2007” làm cho ông Ảnh yên tâm tư tưởng để ký hợp đồng, tin tưởng và tự nguyện giao tài sản cho ông Trần Anh Tuấn.
Mặc dù mới dừng ở việc tiếp quản hồ sơ dự án, tiếp quản để tiếp tục thực hiện các hợp đồng mà ông Phạm Văn Ảnh đã ký với các nhà đầu tư, nhưng ông Trần Anh Tuấn đã chiếm hữu và định đoạt toàn bộ 98,03% cổ phần của các cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam, trong đó cũng đã chiếm đoạt và gây thiệt hại về tài sản của Công ty cổ phần ATA Paint Hà Nam mà chủ sở hữu là Công ty cổ phần tập đoàn ATA, đang là Bên A của Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01, đang có quyền sở hữu hợp pháp 98,03% cổ phần đối với toàn bộ tài sản tại Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam mà ông Phạm Văn Ảnh là người đại diện. Tại 02 hợp đồng (Hợp đồng thuê lại đất số 27 và 31) thì đây chỉ là một phần thiệt hại trong 31 hợp đồng, đây sẽ là chứng cứ “đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng về tài sản” của ông Phạm Văn Ảnh trong vụ án.
Ngoài ra, theo đánh giá của các cổ đông sáng lập do ông Phạm Văn Ảnh đại diện ở Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam thì ông Trần Anh Tuấn còn thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho các cổ đông sáng lập do ông Phạm Văn Ảnh đại diện hơn 4000 tỷ đồng. Văn phòng Luật sư Hoàng Minh cho rằng, hành vi này của Trần Anh Tuấn có dấu hiệu phạm vào tội: “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước những lý lẽ nêu trên, Luật sư Hoàng Huy Được - Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Minh cho rằng cần sớm có quyết định khởi tố bị can để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật hình sự, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật (?!).