Vì sao Bộ Y tế công bố các ca bệnh dương tính với COVID-19 chậm hơn mạng xã hội?
Chiều 13/3 Bộ Y tế công bố ca bệnh Covid-19 thứ 45 (Trong đó 16 ca đã chữa khỏi - Pv) điều đáng nói đây không phải là nữ tiếp viên hàng không mà Hà Nội công bố và một số trang mạng cá nhân đã đưa tin.
Cụ thể, 17h ngày 13/3, Bộ Y tế nhận được thông tin của Viện Pasteur TPHCM thông báo kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 của 1 bệnh nhân.
Đó là bệnh nhân nam (trú quán tại phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM) có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34. Bệnh nhân này đã ăn tối và làm việc với vợ chồng bệnh nhân số 34 tại Bình Thuận ngày 3/3.
Đáng nói, sáng 13/3, Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã công bố ca mắc Covid-19 thứ 6 của Hà Nội, là một nữ tiếp viên hàng không (30 tuổi) sau khi xét nghiệm 1 lần đã dương tính với virus SARs-CoV-2.
Đến tối 13/3, Bộ Y tế mới công bố ca thứ 46 và 47 là tiếp viên Vietnam Airlines và người giúp việc của bệnh nhân số 17.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 47 ca mắc Covid-19, trong đó: Vĩnh Phúc (11 trường hợp), Bình Thuận (9), Hà Nội (7), TP.HCM (5), Quảng Ninh (4), Đà Nẵng (3), Quảng Nam (2), Lào Cai (2), Khánh Hòa (1), Thanh Hóa (1), Ninh Bình (1), Huế (1).
Ca 45 không phải nữ tiếp viên hàng không |
Trước những thông tin thắc mắc tại sao Bộ Y tế công bố thông tin về các ca bệnh chậm hơn mạng xã hội và một số cơ quan báo chí.
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Bộ Y tế chia sẻ:
"Chúng tôi là những người làm truyền thông trong ngành y tế, những thông tin chúng tôi đưa ra không đơn giản chỉ phục vụ thị hiếu, sự tò mò của người dân, mà còn liên quan đến đời sống, mối quan hệ thậm chí sinh mạng của người bệnh hoặc người bị nghi nhiễm bệnh.
Do vậy, để có được thông tin khẳng định về ca bệnh, chúng tôi cần phải kiểm chứng, đối chứng và khi nào khẳng định chắc chắn ca bệnh thì mới công bố và cung cấp thông tin cho báo chí, cho người dân. Chúng tôi gần như là tuyến cuối, thông tin chúng tôi đưa ra ảnh hưởng không chỉ một người mà rất nhiều người.
Trong công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ai cũng muốn có thông tin nhanh, chúng tôi biết điều đó. Nhưng việc để công bố một ai đó mắc bệnh, chúng tôi cần thận trọng.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới công nhận 3 đơn vị đầu ngành của Việt Nam đạt chuẩn xét nghiệm, đó là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Mính, do vậy:
- Nếu các mẫu từ các địa phương gửi trực tiếp đến 3 Viện trên, khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 thì khẳng định bệnh nhân đó mắc bệnh COVID-19.
- Nếu các mẫu do các đơn vị đủ điều kiện và năng lực xét nghiệm, được Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt chuẩn (hiện nay có gần 30 bệnh viện, viện, Trung kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố) có kết quả dương tính, họ phải chuyển mẫu về 3 Viện đầu ngành để xét nghiệm khẳng định. Nếu xét nghiệm tại 3 Viện này cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, thì khi đó mới khẳng định bệnh nhân bị bệnh COVID-19".
Ông Đình Anh cũng mong muốn cộng đồng thấu hiểu và gửi gắm thông điệp:
"Có những việc cần làm ngay và luôn, nhưng có những việc cần chậm một tý, yêu thương nhiều hơn, cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn.
Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID -19 này, bạn, tôi và tất cả mọi người đều ngồi trên một con thuyền. Chúng ta hãy cùng nhau ĐỒNG HÀNH, ĐỒNG LÒNG, ĐỒNG SỨC với Chính phủ, với Chính quyền địa phương ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19".