Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
Thứ trưởng Y tế: "Tạo môi trường an toàn để xã hội trở lại bình thường" Xử phạt Công ty CP Amaccao ở Hà Nam 270 triệu đồng do vi phạm về môi trường |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tị điều hành cuộc họp cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. |
BVMT phải được đặt ở trung tâm của các quyết định phát triển
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường với mục đích xây dựng được một đạo luật về bảo vệ môi trường (BVMT) có tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất và khả thi, khắc phục sự phân tán, chồng chéo; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mới được ban hành trong thời gian qua, giải quyết được các vấn đề cấp bách về môi trường đang đặt ra, bảo đảm tăng cường các biện pháp quản lý, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường, ngăn chặn được tình trạng mất cân bằng sinh thái.
Với dự án này, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phải lấy bảo vệ sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành.
BVMT phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, được tính đến ngay từ quá trình lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho đến thiết kế dự án. BVMT phải lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.
Bên cạnh đó, Luật BVMT là luật cơ bản, quy định toàn diện, tổng hợp, thống nhất các nội dung về BVMT, khắc phục sự chồng chéo, xung đột, thiếu thống nhất và phân tán trong các quy định về BVMT của các luật có liên quan. Luật BVMT phải tạo được nền tảng pháp lý hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, phù hợp song phải khắc phục được mặt trái của kinh tế thị trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà báo cáo tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. |
Đồng thời, sẽ thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước từ mệnh lệnh hành chính rườm rà, phức tạp sang vai trò kiến tạo thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường chế tài xử lý; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia các hoạt động BVMT, trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm. Thống nhất quản lý nhà nước về BVMT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0.
Xây dựng Bộ luật BVMT mới xứng tầm yêu cầu và nhiệm vụ mới
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh rằng: Một số ý kiến thẩm tra cho rằng BVMT trong giai đoạn mới phải ở mức cao hơn, toàn diện hơn. Do đó, đề nghị có thể nâng cấp thành một Bộ luật BVMT mới xứng tầm yêu cầu và nhiệm vụ mới và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, Luật BVMT năm 2014 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với những thách thức mới đặt ra. Do đó, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng việc sửa đổi Luật BVMT năm 2014 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, phù hợp hơn với thế và lực mới cao hơn nhiều của đất nước; nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH.
Theo ông Phan Xuân Dũng, hồ sơ dự án Luật của Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi toàn diện Luật BVMT từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang Luật BVMT (sửa đổi). Theo đó, từ 07 nhóm chính sách ban đầu, Chính phủ bổ sung 06 nhóm chính sách mới, kèm theo Báo cáo đánh giá tác động của cả 13 nhóm chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng báo cáo tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. |
Do vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, với những đề xuất sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ thì việc mở rộng thành dự án Luật BVMT (sửa đổi) là phù hợp; đồng thời, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thống nhất phương án trình Quốc hội dự án Luật BVMT (sửa đổi).
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật cơ bản đã bám sát, thể chế hóa yêu cầu về hoạt động BVMT trong các Nghị quyết của Đảng; Bộ Chính trị; thể chế hóa mục tiêu nhiệm vụ “BVMT vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với quan điểm sửa đổi là chuyển các nội dung về BVMT còn rải rác ở các luật khác về luật chuyên ngành BVMT như quy định tại điều 190 của Dự thảo luật.
Tuy nhiên để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật.
Xây dựng luật BVMT đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Với 16 Chương, 192 Điều và 01 Phụ lục kèm theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ghi nhận và đánh giá đây là dự án luật khá đồ sộ, phạm vi sửa đổi rộng, có nhiều nội dung mới so với quy định hiện hành.
Cho ý kiến tại cuộc họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện dự án Luật Bảo vệ môi trường để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng nhất là về bảo vệ môi trường là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế, đưa các vấn đề mới mà Luật hiện hành chưa thể hiện được như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời lưu ý đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật do dự án luật này liênquan đến nhiều luật, nhiều nội dung quản lý, các văn bản đang có hiệu lực, chức năng của các bộ, ngành.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng có nhiều vấn đề về BVMT mới phát sinh trong thực tiễn hiện nay mà Luật hiện hành chưa có đủ cơ sở để xử lý như trong một số sự cố môi trường lớn thời gian qua. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cùng quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, sự nghiệp bảo vệ môi trường không chỉ của Nhà nước mà của toàn dân, toàn xã hội; quan điểm, tư duy này cần được thể hiện trong Luật và tạo ra được nhận thức lâu dài cho thế hệ sau.
Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu |
Nhất trí với việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường trong thời điểm hiện nay, Trưởng ban Dân nguyên Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, vấn đề môi trường luôn được đông đảo cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Dự án Luật cần thể hiện được trách nhiệm của những nhóm đối tượng từ cơ quan giám sát, đơn vị gây ô nhiễm, người bị thiệt hại… Việc quản lý các vấn đề về môi trường hiện nay còn chưa tập trung, lấy ví dụ vấn đề nước thải, Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, hiện nay vấn đề nước thải liên quan đến nhiều Bộ như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây Dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trên toàn quốc và đề nghị Luật cần phải thể hiện được vấn đề quản lý và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị cần phải tiếp tục rà soát, đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của dự thảo luật đối với hệ thống pháp luật, tránh quy định lại những quy định đã có.
Khẳng định sự cần thiết để sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường trong xu thế phát triển hiện nay của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra rằng, dự án Luật đưa ra sẽ giải quyết được những bất cấp hiện nay, đồng thời đưa ra được những giải pháp phù hợp với hoàn cảnh đất nước, thể chế hóa mục tiêu nhiệm vụ “Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững”. Luật phải bảo đảm tính khả thi với mục tiêu không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên cũng cần phải đánh giá cụ thể để những quy định tiêu chuẩn môi trường không làm cản trở phát triển kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội chỉ ra rằng, dự án Luật này liên quan đến nhiều Luật như: Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy lợi, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Phí và lệ phí… Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải tiếp tục rà soát, đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của dự thảo luật đối với hệ thống pháp luật, tránh quy định lại những quy định đã có; đồng thời rà soát những cam kết quốc tế về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có CPTPP, gần đây nhất là EVFTA vừa tạo hành lang pháp lý để phát triển đất nước phù hợp với các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu trong nước.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là một luật rất khó, rất rộng, tác động rất lớn đến nhiều vấn đề nên phải tính toán đến tính cụ thể, tính khả thi và bảo đảm khi luật ra đời sẽ khắc phục được cơ bản những tồn tại, hạn chế từ trước đến nay về công tác BVMT. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đổi tên là Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), thay cho dự án luật trước đây là chỉ sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và thống nhất với phạm vi sửa đổi theo đề nghị của Chính phủ.
Toàn cảnh cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để đảm bảo dự án luật này thống nhất với hệ thống pháp luật, đảm bảo tính cụ thể, tính khả thi; tiếp tục đánh giá tác động của 13 nhóm chính sách liên quan đến kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, tiếp tục phải rà soát các khái niệm, giải thích từ ngữ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự án luật này và giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra chính thức để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9.