Urenco trong dịch Covid-19: “Phố phường sạch - công nhân an toàn” là mệnh lệnh
Khẩn trương chi trả tiền đền bù, hỗ trợ người dân xung quanh khu xử lý rác Nam Sơn Urenco đề xuất đầu tư 1.640 tỷ đồng cải tiến 2 bãi rác lớn nhất Hà Nội bằng công nghệ xanh |
| |
“Phố phường sạch - công nhân an toàn” là mệnh lệnh của Urenco. Trong ảnh: Công nhân Urenco13 đảm bảo an toàn cao nhất khi thu gom rác thải Y tế trong dịch Covid-19. Ảnh: Việt Hùng |
Những người không thể “đứng im”
Đêm 28/3, đêm cuối tuần đầu tiên của Hà Nội sau lệnh đóng cửa tất cả các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, các đường phố Thủ đô thưa thớt người qua lại. Khi cả Hà Nội gần như chỉ “đứng im” thì nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường chúng tôi lỉnh kỉnh máy móc lao ra đường để chia sẻ công việc với một trong những lực lượng không thể “đứng im khi Tổ quốc cần” - các anh chị lao công của Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội (Urenco).
Lặng lẽ đi sau quan sát công việc của chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Tổ 8, Chi nhánh Ba Đình từ đường Núi Trúc đến bến xe Kim Mã, nhìn chị thoăn thoắt lia từng nhát chổi đều và cặn kẽ rồi chị nhặt từng túi rác mà người dân bỏ rìa đường lên xe đẩy trong ánh sáng từ các ngọn đèn đường, chúng tôi thầm cảm phục sự cần mẫn của người công nhân môi trường đô thị Hà Nội.
| |
Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Tổ 8, Urenco1 làm việc trong đêm 28/3 trên tuyến phố Kim Mã. Ảnh: Việt Hùng |
Thấy chúng tôi tiến lên phía trước để chụp ảnh, chị Hiền xua tay ngại ngùng. Biết chúng tôi là phóng viên của tờ báo ngành Tài nguyên và Môi trường - là "người một nhà" với mình - chị Hiền mới chịu chia sẻ một chút về công việc trong mùa dịch Covid-19.
Chị Hiền bảo: “Nghề của chúng tôi là như vậy. Hồi dịch mới lan rộng cách đây gần hai tuần, khi tôi đi làm con tôi nói vui: Mẹ không “đứng yên khi Tổ quốc cần” à. Tôi nói với các con, giữ phố phường sạch đẹp là nghề của mẹ con ạ”. Nói rồi chị lại vừa đẩy xe, vừa nhanh nhẹn, tỉ mỷ vừa lia từng nhát chổi, vừa hót từng cọng rác, túi ni-lông… và đẩy chiếc xe đi dọc tuyến Kim Mã, Nguyễn Thái Học mà mình phụ trách.
Cùng tuyến phố, sau khi cẩu xong gần chục thùng rác lên xe ngay ngã ba Nguyễn Thái Học - Lý Văn Phức, anh Nguyễn Đăng Lâm - phụ xe trung chuyển BKS 29C - 658.57 thuộc Tổ xe 2, Urenco1 cũng vui vẻ chia sẻ về công việc của mình. Anh cho biết, công việc của lái và phụ xe như các anh diễn ra từ 17h đến khi hết rác ở các tuyến phố mà nhóm mình phụ trách sao cho đảm bảo trước khi trời sáng.
| |
Xe cẩu rác tại phường Bách Khoa tối 28/3. Ảnh: Việt Hùng |
“Mùa Covid khiến chúng tôi vất vả hơn nhất là trong việc đảm bảo an toàn cho mình và gia đình sau mỗi ca lao động” - anh Nguyễn Đăng Lâm nói. Khi phóng viên hỏi về sự quan tâm của Công ty Urenco đối với họ ra sao, cả chị Nguyễn Thị Hiền, anh Nguyễn Đăng Lâm (Urenco1), rồi chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, anh Trần Văn Chiến (Urenco3) và rất nhiều anh chị lao công chúng tôi gặp trong đêm 28/3 đều cho biết: Họ rất cảm động trước sự quan tâm không chỉ của lãnh đạo Urenco mà còn từ Công đoàn công ty và UBND các Phường mà mình phụ trách.
Urenco đã mua "bảo hiểm COVID-19" cho 100% người lao động với thời gian bảo hiểm là 3 tháng, tính từ tháng 3. Việc làm này sẽ động viên tinh thần cho người lao động tham gia sản xuất, thực hiện nhiệm vụ được giao, cùng với nhân dân Thủ đô và cả nước chung tay phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh... Phó Tổng Giám đốc Phạm Văn Đức |
An toàn cho công nhân - đó là mệnh lệnh
Để hiểu rõ hơn câu chuyện của các công nhân, may mắn cho chúng tôi khi được cùng ông Huỳnh Quang Thành - Phó trưởng Phòng Điều hành sản xuất và quản lý chất lượng của Urenco 3 đi thị sát công việc của Xí nghiệp tại khu vực các phường Bách Khoa, Thanh Nhàn, Minh Khai (quận Hai Bà Trưng).
Vừa đi kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các tổ làm việc cho đúng quy trình, đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo vệ sinh phố phường… anh Thành vừa kể: Đúng là từ khi dịch Covid - 19 diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng thời gian tới ngày càng cao thì tâm lý lo ngại của công nhân Urenco chắc chắn là có.
| |
Công nhân Urenco miệt mài lao động trong đêm 28/3. Ảnh: Việt Hùng |
Nhưng, vẫn theo anh Huỳnh Quang Thành, chính sự động viên khích lệ và đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo công ty Urenco như việc mua bảo hiểm Covid để phòng khi anh chị em không may bị nhiễm, rồi việc phát khẩu trang, gang tay, cồn rửa tay… một cách thường xuyên cộng với việc tuyên truyền về công tác an toàn lao động trong mùa dịch khiến anh chị em công nhân an tâm hơn rất nhiều khi ra đường làm việc.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc Urenco cho biết: Trước những nguy cơ luôn thường trực, ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện, Urenco đã có những hướng dẫn cụ thể cho người lao động về biện pháp phòng tránh lây nhiễn dịch bệnh với tinh thần “bảo vệ an toàn mỗi công nhân chính là bảo vệ hoạt động của toàn hệ thống”.
Để làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo công ty đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, lãnh đạo các đơn vị theo dõi và quản lý tốt sức khỏe cán bộ, công nhân viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Công nhân viên có biểu hiện bất thường như sốt cao, ho kéo dài, cần nghỉ làm việc và báo ngay đến đường dây nóng của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng… không để dịch lây lan trong đơn vị.
Ngoài ra, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công nhân viên về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mùa đông. Cùng với đó, các công ty môi trường đều tổ chức tập huấn, tuyên truyền để cán bộ công nhân viên tự bảo vệ sức khỏe bản thân.
| |
Phóng viên Báo TN&MT tranh thủ phỏng vấn công nhân Urenco1. Ảnh: Minh Hải |
Đối với người lao động thu gom chất thải y tế và công nhân thường xuyên tiếp xúc với rác thải phải sử dụng đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động.
“Công ty Urenco cũng có công văn gửi Sở Y tế, các bệnh viện đề nghị phải phân tách riêng các loại rác từ nguồn bệnh có nguy cơ nhiễm dịch. Trước khi thu gom phun khử khuẩn đậm đặc, khi thu gom đưa lên thùng tiếp tục phun diệt khuẩn. Quy trình xử lý chất thải được phân tách riêng, hấp sấy bằng nhiệt độ cao trước khi xử lý”, ông Đức thông tin.
Đặc biệt, lãnh đạo Urenco cũng thường xuyên xuống địa bàn thăm hỏi, rà soát tình hình dịch bệnh tại các đơn vị; cung cấp dầu gió, khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn khi cần thiết, bộ phận y tế của Công ty nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh, sẵn sàng đối phó với các tình huống khi phát hiện nghi ngờ.
Xác định chỉ cần một anh em công nhân nhiễm dịch bệnh là toàn bộ nhà máy vận chuyển, sản xuất dừng hoạt động, cả hệ thống bị ảnh hưởng, ông Phạm Văn Đức khẳng định, Urenco triển khai công tác phòng chống dịch tăng lên gấp bội so với các đơn vị khác, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, và bảo vệ sự an toàn của công nhân chính là góp phần to lớn trong việc đẩy lùi dịch bệnh... “Với người Urenco chúng tôi, “Phố phường sạch - công nhân an toàn” là mệnh lệnh - Phó Tổng giám đốc Urenco Phạm Văn Đức chia sẻ.
| |
Rất cần ý thức chung tay bảo vệ môi trường của người dân để công nhân môi trường đỡ phần vất vả. Ảnh: Việt Hùng |
Vĩ thanh
Khi chúng tôi chuẩn bị hoàn thành bài viết này, Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước chuẩn bị sang một ngày mới. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính đến 18h tối 28/3, nước ta đã có thêm 5 bệnh nhân mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước đến thời điểm này là 174 bệnh nhân.
Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường và nguy cơ lây lan trong cộng đồng ngày một lớn hơn. Cùng với cả nước, cùng với Thủ đô, ngày ngày, hàng ngàn công nhân Urenco vẫn phải miệt mài ra đường hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Người Urenco mong Chính quyền thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục có những hỗ trợ thiết thực cho anh em công nhân môi trường của Urenco nói riêng, công nhân môi trường trên địa bàn thành phố nói chung yên tâm công tác.
Còn chúng tôi, những người cầm bút chỉ mong sao dịch bệnh nhanh chóng qua đi, chỉ biết cầu mong sao, không có bất kỳ một ai trong hành ngàn công nhân của Urenco nói riêng và hàng vạn công nhân môi trường trên cả nước nói chung không ai bị nhiễm virut quái ác mang tên Covid19.
Còn chúng ta, những người đang ngày ngày xả rác sinh hoạt, chúng tôi mong mỗi người sẽ nâng cao ý thức hơn trong việc phân loại rác tại nguồn cũng như bỏ rác đúng nơi, đúng giờ quy định để góp sức cùng cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Rêng với đơn vị vận chuyển và xử lý chất thải y tế của Urenco hiện nay là Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) đã ban hành quy trình sản xuất cho người lao động để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch; tăng cường công tác bảo hộ, tăng cường sức khỏe cho lao động cho người lao động trong giai đoạn mùa dịch. Với một số cán bộ, công nhân của Urenco 13 đang làm việc tại bệnh viện Bạch Mai - nơi được coi là “ổ dịch” hiện nay, đơn vị cấp phát nhu yếu phẩm thường xuyên để anh em yên tâm công tác ở vùng dịch. Kinh qua công tác phòng chống dịch SARS, cúm gia cầm H5N1, nên khi dịch Covid-19 bùng phát, anh em đều xác định đây là nhiệm vụ và đồng lòng để hỗ trợ đơn vị trong giai đoạn chống dịch... Bà Vũ Vân Hà - Giám đốc Urenco 13 |