U gan ở trẻ em diễn biến như thế nào?
Khối u kích thước lớn làm thay đổi cấu trúc vùng bụng của bệnh nhân |
Ở trẻ em, ung thư gan hiếm gặp, tỉ lệ mắc bệnh khoảng 1% tổng số ung thư trẻ em. Chỉ có khoảng 1,5 ca ung thư gan trên 1 triệu trẻ em dưới 15 tuổi.
Ung thư gan ở trẻ em
Ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường gặp nhất là u nguyên bào gan, u có dạng một khối u đơn độc, khoảng 70% có khả năng mổ được. Đặc biệt, bệnh nhạy với thuốc hóa trị nên điều trị kết hợp mổ cắt bỏ u và hóa trị cho kết quả tốt. Có khoảng 80% trường hợp sống thêm 5 năm sau điều trị. Còn ở trẻ em hơn 11 tuổi, thường gặp là dạng carcinoma tế bào gan. Đây là dạng ung thư gan thường phát triển đa ổ, xâm lấn rất mạnh và không nhạy với thuốc hóa trị. Bệnh thường có diễn tiến xấu tương tự ung thư gan nguyên phát ở người lớn. Chỉ có khoảng 20% bệnh nhân sống được thêm 5 năm sau điều trị.
Khối u chiếm toàn bộ phần gan phải trên phim CT scan bụng |
Đa số trẻ ung thư gan thường vào viện với tình trạng bụng to bất thường và có u, sờ được trong bụng. Khối u ở vị trí vùng dưới bờ sườn bên phải hoặc chiếm cả ½ bên phải bụng.
Các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán cơ bản gồm: siêu âm bụng, định lượng AFP/máu, chụp CT scan bụng để xác định vị trí, kích thước, tính chất khối u gan và mối liên quan với các cơ quan lân cận với gan.
Phương pháp điều trị ung thư gan ở trẻ em
Đối với nhóm ung thư gan giai đoạn sớm, khối u gan đơn độc, chưa có tổn thương di căn, thầy thuốc sẽ mổ cắt bỏ các phần gan có chứa khối u, kết hợp hóa trị bổ túc sau mổ.
Đối với nhóm ung thư gan kích thước quá lớn, đe doạ suy gan sau mổ hoặc liên quan trực tiếp với các mạch máu lớn, không thể mổ ngay được hoặc đã có di căn xa và dạng bướu nguyên bào gan, thầy thuốc sẽ hóa trị trước mổ (2-4 chu kỳ) để làm khối u thu nhỏ lại, thuận lợi cho việc mổ cắt bỏ u gan.
Nếu bệnh ở giai đoạn sớm, trên 90% trường hợp trẻ mắc bệnh có nhiều cơ may khỏi bệnh. Trường hợp u nguyên bào gan được phát hiện muộn, khối u to không thể mổ cắt được hoặc có di căn xa, kết quả điều trị thấp hơn. Vì vậy, khi phát hiện có khối u trong ổ bụng, người nhà nên đưa trẻ nhập viện sớm để việc điều trị được tiến hành kịp thời.
BS. Lê Trung Hiếu
Khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tụy, Bệnh viện TWQĐ 108