Tưởng nhớ, tri ân chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn
Chuỗi hoạt động tri ân của tuổi trẻ Hoàng Mai |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội thảo |
Sáng 9/9, tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã có bài tham luận tưởng nhớ, tri ân chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, ở bất cứ cương vị nào, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng thể hiện là một tấm gương sáng, trọn đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Với những cống hiến, công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, thành phố Hà Nội đã đặt tên một con đường mang tên Bùi Bằng Đoàn.
Những năm qua, phát huy tinh thần yêu nước của cụ và những bậc tiền bối cách mạng khác, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã đẩy mạnh xây dựng Thủ đô, tập trung vào các nội dung: Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sáng về đạo đức, lối sống, hết lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường; phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại...
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự phát triển bền vững của Thủ đô.
“Đó chính là ý chí, quyết tâm và là hành động cách mạng thiết thực, có ý nghĩa cao đẹp nhất để tưởng nhớ, tri ân chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn cùng những đóng góp to lớn của cụ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Đảng bộ Hà Nội trong thời kỳ mới” – đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 19/9/1889 trong một gia đình nhà nho tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội).
Ngày 6/1/1946, tại cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên được tổ chức trong phạm vi toàn quốc, cụ Bùi Bằng Đoàn với chức danh cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I và đã trúng cử đại biểu của tỉnh Hà Đông với số phiếu bầu rất cao.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (tháng 11/1946), cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội), cụ Bùi Bằng Đoàn đã phát huy vai trò, trách nhiệm và những đóng góp cho hoạt động lập pháp, đặc biệt là việc tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, kháng chiến chống Pháp...
Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội ủy nhiệm là tham dự các cuộc họp của Hội đồng chính phủ để góp ý kiến trong mọi công việc kháng chiến. Cụ đã không phụ lòng tin của Quốc hội và của quốc dân đồng bào cả nước, tham gia đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947; chỉ đạo các đoàn đại biểu các khu vực, lấy nguyện vọng nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ lãnh đạo kháng chiến; tham dự các sinh hoạt trọng đại như lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, tháng 7/1948…
Ngoài các hoạt động đối nội, lập pháp, cụ Bùi Bằng Đoàn còn có các hoạt động đối ngoại tích cực, trả lời báo, đài phát thanh trong và ngoài nước về một số vấn đề trọng đại của đất nước...