Toàn dân phòng chống dịch Covid-19: Trưởng tộc thông báo dừng tổ chức lễ giỗ họ
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch Covid-19. Thủ tướng đề nghị các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người và yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở vấn đề này.
Từ thực tế nhiều trường hợp ở Việt Nam và thế giới lây bệnh khi dự các lễ hội tôn giáo cho thấy tính cấp bách và đúng đắn trong chỉ đạo của Người đứng đầu Chính phủ
Tảo mộ trong tháng ba nhân tiết Thanh minh là một tập quán lâu đời |
Trước bối cảnh này, các tôn giáo ở Việt Nam cũng tạm dừng những đại lễ tập trung đông người và thực hiện hành lễ trực tuyến để chống Covid-19.
Tập tục về quê tảo mộ, ăn Tết Thanh minh cũng được một số địa phương hạn chế. Thậm chí có một dòng họ ở Nam Trực (Nam Định) còn chủ động phát đi thông báo về việc dừng tổ chức lễ thanh minh - giỗ họ để con cháu trong dòng họ hạn chế di chuyển về quê, tránh tụ tập đông người khiến mất kiểm soát trong việc chống dịch Covid-19
Lễ hội tôn giáo thường tập trung đông người. Trong ảnh là Đại lễ Phật đản năm 2018 tại Việt Nam Quốc Tự |
Ông Đinh Viết Trưởng trưởng tộc dòng họ Đinh Viết thôn Đồng Lư (Tân Thịnh - Nam Trực – Nam Định) cho biết: “Theo thông lệ hàng năm cứ đến tiết Thanh minh các dòng họ ở làng tôi lại tổ chức lễ tảo mộ và lấy ngày này làm ngày giỗ tiên linh các đời. Do được thờ chung tại một nhà thờ đại tôn vì vậy con cháu của các chi, ngành sinh sống ở khắp cả nước thường về thắp hương, ăn giỗ họ rất đông. Có năm họ tôi làm tới 35 – 40 mâm cỗ. Thường thì trước thanh minh một tuần thì ban liên lạc gồm những người cao niên đứng đầu các chi sẽ đi đến từng nhà để thu suất đinh góp cỗ. Nhưng năm nay do xuất hiện dịch Covid-19, thực hiện theo khuyến cáo của chính phủ và cơ quan Y tế là hạn chế di chuyển và tụ tập đông người nên dòng họ Đinh Viết quyết định thông báo ngừng việc tổ chức lễ Thanh minh -Giỗ họ, con cháu có thể vái vọng tại gia".
Thông báo của một dòng họ về việc ngừng tổ chức lễ Thanh minh để tránh đông người |
Ông Trưởng cũng cho biết: Mặc dù đây là phong tục lâu đời để thể hiện lòng hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn của quê hương chúng tôi, nhưng do ý thức được việc vì cộng đồng và tất cả phải chung tay chống dịch nên việc thờ cúng, lễ nghĩa cũng phải giản tiện hơn để đảm bảo an toàn trước hết là cho chính con cháu trong dòng họ sau đến là người dân cả nước.
Bà Đinh Thị Thạch tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: “Khi nhận được thông báo từ bác trưởng tộc thì gia đình tôi cũng không tổ chức về quê rình rang. Hơn nữa hiện tại ở Hà Nội cũng đã có yêu cầu mọi người hạn chế ra đường. Mọi việc thờ cũng sẽ có bác Tộc trưởng lo lễ bái, chúng tôi ở xa vái vọng, thôi thì sang năm về bù”.
TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn hóa văn nghệ dân gian, cho biết: Phong tục tết Thanh minh không chỉ là chuyện chăm sóc mộ phần mà còn là mời tổ tiên về. Người Việt thường làm cả hai việc này trước trước Tết Nguyên đán.
Theo ông Sơn, người Việt có đặc điểm văn hóa rất quan trọng là dễ thích nghi. Vì thế, khi có dịch Covid-19 thì người dân sẵn sàng ai ở đâu thì ở đó. Họ được yên tâm là việc thăm mộ mình đã làm từ trước tết rồi.
“Với người phải từ xa về quê là vậy. Còn người ở lại trong làng xã, thì trước đây cũng có những buổi gặp mặt ăn uống trong làng xã, rủ nhau cùng ra mộ rồi cùng ăn uống.Năm nay, do dịch Covid-19 thì việc ăn uống cũng giảm nhẹ rất nhiều, nhất là những vùng đã có dịch và được tuyên truyền. Ví dụ như ở Vĩnh Phúc chẳng hạn, chắc chắn người dân có ý thức hơn, cũng hạn chế ăn uống đông người. Vì thế, chắc năm nay cỗ bàn nhân tháng ba cũng sẽ không có”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc đi tảo mộ vẫn sẽ diễn ra. Mặc dù vậy, quy mô của nó sẽ thay đổi. “Một số người vẫn đi tảo mộ thôi. Trước đây là ông trưởng họ sẽ hô một ngày và mọi người cùng về thì bây giờ có thể chỉ ông trưởng họ đi tảo mộ thôi chứ không cần thiết phải đi nhiều. Nên khả năng thích ứng trong văn hóa Việt đặc biệt như vậy”, ông Sơn nói.
Như vậy, tại thời điểm nhạy cảm này, người dân đã hiểu được cách bảo vệ bản thân, trách nhiệm xã hội khi tham gia lễ hội, phong tục, chiêm bái, lễ Phật tại các địa điểm văn hóa tâm linh là tín hiệu đáng mừng