Tinh thần đoàn kết và khát vọng phát triển

Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, là nguồn động lực tinh thần to lớn về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam.
Thủ tướng: Đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm trong cán bộ, công chức Phát huy tinh thần xung kích của công đoàn viên Cơ quan Thành đoàn Hà Nội Gắn kết du lịch Thủ đô và các tỉnh thành
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Thành ủy TP.HCM ngày 23/9/2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Thành ủy TP Hồ Chí Minh ngày 23/9/2022

Cách đây 48 năm, Quân đội Nhân dân Việt Nam mở đợt tiến công cuối cùng, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Để có được hòa bình đến với mọi người dân Việt Nam, chúng ta đã phải trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm với nhiều hy sinh, mất mát lớn lao. Đây là mốc son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đại thắng mùa xuân 1975 là thành quả của ý chí đoàn kết và tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của toàn dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; Là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc; Cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Thành ủy TP.HCM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Thành ủy TP Hồ Chí Minh

48 năm qua, trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời đại, với truyền thống bất khuất, kiên cường của một dân tộc đã có mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và hành trang tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta đã đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã chọn.

Bản anh hùng ca quyết chiến quyết thắng đã từng vang lên trên chiến hào đánh đuổi quân xâm lược lại vang lên trên trận tuyến mới: Trận tuyến đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng đất nước ta “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thế hệ hôm nay tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha ông, đã đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội, hướng tới phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Đặc biệt, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19 và phục hồi ngoạn mục đã khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng ta luôn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn lên hàng đầu trong suốt quá trình phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 2023 là năm quan trọng với Việt Nam, là năm "bản lề" trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Nếu các năm 2021-2022 là giai đoạn tạo tiền đề, thì 2023 là thời điểm để "tăng tốc". Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025-2030) với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngay từ bây giờ, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà các doanh nghiệp cũng cần hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới.

Theo GS.TS. NGND Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với thuận lợi "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay", hiện Việt Nam đang có một đội ngũ lãnh đạo đất nước tâm huyết, tài năng, biết tập hợp sức mạnh đoàn kết của dân tộc, tận dụng được nhân tài… Do đó, GS.TS Đỗ Thanh Bình tin tưởng, chúng ta đẩy mạnh hiện đại hóa đất nước để đạt được mục tiêu như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

“Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến công của cả dân tộc, với sự hy sinh của bao lớp người đi trước để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, được cống hiến… Chính vì vậy, các thế hệ kế cận không được quên lịch sử dân tộc đã trải qua những năm tháng đầy khó khăn. "Sống trong hòa bình, hạnh phúc… chúng ta không được quên lịch sử dân tộc", GS.TS Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

GS.TS Đỗ Thanh Bình cho rằng, dù lớp trẻ ngày nay có thể làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng vẫn phải biết và hiểu về lịch sử dân tộc bởi lịch sử dân tộc chính là nền tảng, là bệ đỡ để chúng ta xây đắp tương lai. Lớp trẻ ngày nay phải biết và trân trọng cội nguồn của mình, của dân tộc, trong đó có dấu son chói lọi của ngày chiến thắng 30/4.

Lam Dương
Phiên bản di động