Tỉnh Bình Thuận phải xử lý nghiêm tham nhũng, lợi ích nhóm, quan liêu
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 379/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015-2020) và kế hoạch 5 năm 2021-2025 phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ngày 21/9/2019 vừa qua.
Theo đó, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn và những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, nhân tỉnh Bình Thuận trong những năm qua, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại và giao thông đối nội, phát triển hệ thống dịch vụ logistics,.. sự chồng lấn quy hoạch khoáng sản titan với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác đã và đang là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Một cuộc họp của các lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CTTĐT tỉnh Bình Thuận. |
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tỉnh Bình Thuận cần tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 trong triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019 và xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, ưu tiên tập trung đột phá vào những lĩnh vực trọng tâm, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển trong giai đoạn tới.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận cần tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, bền vững; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, không trông chờ hỗ trợ từ Trung ương. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút được những nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn có uy tín, có tiềm lực mạnh đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để tạo động lực phát triển với mục đích đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, môi trường và quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Bình Thuận cần phải thường xuyên đối thoại, đồng hành với doanh nghiệp, với người dân; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng, lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, quan liêu. Phấn đấu nâng cao vị trí trên bảng xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh. Thực hiện hài hòa các lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Làm tốt công tác quốc phòng - an ninh trên địa bàn, tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo nhất là khiếu kiện về đất đai. Khi giải phóng mặt bằng phải đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, không để phát sinh khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh thêm điểm nóng.
Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết đang gây nhiều lùm xùm nhất tại Bình Thuận. |
Thời gian qua, việc khai thác titan để xuất khẩu quặng thô, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao; một số doanh nghiệp khai thác quặng thô nhưng không hoàn nguyên, làm ảnh hưởng môi trường, gây bức xúc đối với người dân sinh sống tại địa phương. Một số dự án phát triển kinh tế khác không triển khai được do có sự chồng lấn với khu vực dự trự khoáng sản titan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để khắc phục vấn đề trên, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là cần thiết phải điều chỉnh lại Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 theo hướng quy hoạch quặng để dự trữ cho sau này, khi đủ điều kiện sẽ khai thác có hiệu quả, trước mắt cho phép triển khai các dự án kinh tế khác trên khu vực đã quy hoạch.
Đồng thời, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá lại các dự án đang khai thác quặng titan, những dự án đang khai thác có hiệu quả kinh tế, xã hội đảm bảo môi trường thì tiếp tục cho khai thác theo giấy phép đã cấp; những dự án đang khai thác nhưng không hiệu quả, ảnh hưởng môi trường thì xử lý thu hồi theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên; những dự án khai thác bất hợp pháp thì kiên quyết thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật.
Về triển khai 4 dự án: Khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng - Mũi Né tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình; Khu phức hợp du lịch sinh thái Bãi Dài tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết; Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp với vui chơi giải trí, thể thao biển Hòa Thắng tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình; Khu phức hợp dưỡng kết hợp vui chơi giải trí thể thao Thư Minh Nguyễn tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình: Trước mắt, tỉnh Bình Thuận triển khai các thủ tục cần thiết; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, các Bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ việc giải quyết cho phép triển khai xây dựng dự án trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch, khu vực dự trữ titan trước ngày 30/11/2019.
Trụ sở Tập đoàn Rạng Đông. |
Thời gian qua, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đăng tải loạt bài phản ánh về mối liên hệ giữa chính quyền các cấp tỉnh Bình Thuận với Tập đoàn Rạng Đông, doanh nghiệp được nhiều người dân và doanh nghiệp địa phương cho rằng đây là “con cưng” của tỉnh, bởi tập đoàn này đang được các cấp chính quyền “ưu ái” cho thực hiện rất nhiều dự án bất động sản, BOT, khai khoáng với quy mô rất lớn khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều phải mơ ước.
Theo thông tin từ một cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cung cấp cho phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, hiện tại, Tập đoàn Rạng Đông đang là chủ sở hữu nhiều dự án quy mô nhất tỉnh Bình Thuận gồm: Khu dân cư Rạng Đông (diện tích 8ha, vốn đầu tư 33 tỷ đồng); Dự án sân bay Phan Thiết (diện tích 146ha, vốn đầu tư 3.640 tỷ đồng); Khu công nghiệp, nhà máy chế biến sa khoáng titan, nhà ở xã hội Sông Bình (337ha, vốn đầu tư 2.579 tỷ đồng); Khai thác khoáng sản cát nồi nền Hàm Kiệm 4 (diện tích 3ha, vốn đầu tư 3 tỷ đồng); Khai thác, chế biến đá xây dựng mỏ Núi Dây (diện tích 46ha, vốn đầu tư 117 tỷ đồng); Sân Golf Sea Link Phan Thiết (diện tích 167ha, vốn đầu tư 906 tỷ đồng); Khu đô thị biển Phan Thiết (diện tích 62ha, vốn đầu tư 2.554 tỷ đồng)... Ngoài ra, công ty con, công ty thành viên của Tập đoàn Rạng Đông cũng đang là chủ đầu tư, nhà thầu triển khai rất nhiều dự án ở vị trí đắc địa nhất tỉnh Bình Thuận.
Một minh chứng cho thấy sự "ưu ái'' của chính quyền tỉnh Bình Thuận đối với Tập đoàn Rạng Đông là việc công ty này từng xây hàng chục ngôi biệt thự trên khu phức hợp có sân golf Sealinks, ở phường Phú Hài, TP Phan Thiết.
Sai phạm tại dự án này đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện đó là việc Tập đoàn Rạng Đông xây xong phần thô 63/65 căn biệt thự trên diện tích đất 26.000 m2 chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng và công ty chưa nộp nghĩa vụ tài chính 16,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 1818/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận lại cho Tập đoàn Rạng Đông chuyển đổi 26.000 m2 từ đất nông nghiệp trồng cây lâu năm sang đất đô thị vào năm 2008. Sau đó, Tập đoàn Rạng Đông lại có văn bản xin không chuyển đổi mục đích sử dụng đất với lý do gặp khó khăn về tài chính.
Không chỉ có vậy, ở thời điểm hiện tại, gây lùm xùm nhất chính là Dự án Khu đô thị biển Phan Thiết nằm ngay trung tâm TP Phan Thiết. Dự án này tiền thân là một sân golf 18 lỗ của tỷ phú Mỹ Larry Hillblom được Tập đoàn Rạng Đông thâu tóm năm 2014 và đến nay đã được chuyển đổi công năng để phân lô bán nền với giá thị trường cao chưa từng thấy ở Phan Thiết.
Cũng chính dự án trên đã bị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra và ngay cả ông Đinh Trung - Nguyên Ủy viên Trung ương đảng, nguyên Bí thư tỉnh Bình Thuận cũng đã chỉ ra nhiều khuất tất, vi phạm, đặc biệt là vấn đề thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, giá đất, đất dịch vụ... và gửi đơn tố cáo tới Trung ương bởi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận tỏ rõ dấu hiệu ''mũ ni che tai...''.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không phải ngẫu nhiên mà siêu dự án thuộc hàng lớn nhất TP Phan Thiết lại về tay Tập đoàn Rạng Đông chứ không phải một đại gia nào khác trong lĩnh vực bất động sản như Vingroup, Sun Group... Bởi tại Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung Tập Đoàn Rạng Đông nổi tiếng khiến người dân phải nói rằng: "Muốn phân biệt được người dân Bình Thuận hay không hãy hỏi về Tập đoàn Rạng Đông, nếu như ai trả lời không biết thì đó là người dân ngoại tỉnh".