Tỉnh Bắc Ninh vào cuộc xử lý vi phạm đê điều và thủy lợi
Theo đó, tổ công tác gồm 9 thành viên do Ông Đặng Công Hưởng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tổ trưởng.
Những sai phạm liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tồn tại từ lâu. |
Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể của từng địa phương; đồng thời thường xuyên đôn đốc, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác xử lý vi phạm Luật Đê điều và Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Đánh giá trách nhiệm trong công tác quản lý đê điều, công trình thủy lợi; mức độ xử lý các vi phạm của từng địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét khen thưởng hoặc kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, xử lý các vi phạm đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn.
Những chiếc xe bê tông đang ngày đêm cày nát mặt đê. |
Nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên trong Tổ công tác do Tổ trưởng phân công. Thời gian kiểm tra năm 2020: Từ ngày 15/5/2020 đến ngày 31/5/2020.
Tổ trưởng Tổ công tác báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản với Chủ tịch UBND tỉnh vào thứ 6 hàng tuần.
Trước đó, Báo Tuổi trẻ Thủ đô (Chuyên trang Tuổi trẻ và Pháp luật) đã có loạt bài viết phản ánh về nhiều sai phạm tồn tại ven đê sông Đuống, đoạn chạy qua địa bàn huyện Tiên Du; Quế Võ và Lương Tài.
Video ghi nhận sai phạm tại huyện Tiên Du vào tháng 4/2020.
Cụ thể, loạt bài viết có tựa đề “Bắc Ninh: Hàng chục trạm trộn bê tông phá nát quy hoạch, đua nhau tàn phá đê sông Đuống”; “Tiên Du - Bắc Ninh: Báo động hàng loạt trạm trộn bê tông không phép tàn phá đê”; “Sở đề nghị xử lý nghiêm sai phạm của Công ty Đức Trọng, huyện Quế Võ "mặc kệ" bất tuân”… sau khi đăng tải, những bài viết trên đã dành được sự quan tâm của đông đảo độc giả.
Nội dung các bài viết đều thể hiện rõ nét về những sai phạm liên quan đến đê điều, môi trường và cuộc sống của người dân.
Mặt đê ven sông Đuống đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng vì bị những chiếc xe bê tông cày xới. |
Vi phạm Luật Đê điều và Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có thể nói đã trở thành một hệ thống. Chỉ tính riêng huyện Tiên Du, hiện có 8 trạm trộn bê tông (trong tổng số 9 trạm) được một số cá nhân, tổ chức dựng lên trái phép, bất chấp các quy định của pháp luật và được phân bổ chủ yếu ở xã Tri Phương, Cảnh Hưng và Minh Đạo với đủ mọi thương hiệu như An Phúc, Việt Nhật, Thịnh Cường, Việt Sinh, THS, Á Châu, Chèm, Hợp Thành, Thịnh Cường 2. Trong đó, trạm trộn của An Phúc là lớn nhất với 6 silo, tiếp đến là Thịnh Cường có 4 silo, còn lại là 2 - 3 silo.
Bên cạnh đó các huyện có thể kể tới là Yên Phong, Quế Võ, Lương Tài… những hoạt động bến bãi, trạm trộn bê tông đua nhau “mọc như nấm sau mưa” hơn thế nữa là hầu hết các trạm trộn đều không được cấp phép hoạt động.
Nhiều năm trôi qua, những vi phạm cũ chưa được xử lý dứt điểm thì những sai phạm mới lại hình thành… phải chăng, đó chỉ là vi phạm “quá nhỏ bé” nên các cơ quan như Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh (thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh); Sở Xây dựng Bắc Ninh và các cơ quan có liên quan từ huyện cho tới tỉnh không hề biết các xe bồn chở bê tông “bé như con voi”, các xe tải 3, 4 chân to như cái nhà đang hàng ngày, hàng giờ vận chuyển bê tông, cát, sỏi đi bán khắp nơi trên địa bàn?
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.