Thực phẩm chức năng cho trẻ - Tránh lạm dụng
Dự án Nhà máy sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng "rầm rộ" thi công không phép tại Hải Dương Cảnh báo chiêu trò gọi điện tự xưng bác sĩ lừa bán thực phẩm chức năng |
Trẻ em cần được bổ sung hợp lý chất dinh dưỡng để bảo đảm phát triển toàn diện. Ảnh: Nhật Nam |
Bổ sung theo trào lưu
Tham gia bất kỳ hội, nhóm nuôi dạy trẻ nào trên cộng đồng mạng xã hội, các phụ huynh dễ dàng bắt gặp hình ảnh, video clip những đứa trẻ xinh xắn, thông minh, đối đáp nhí nhảnh, nhất là khả năng nói lưu loát tiếng Anh… khiến ai cũng thán phục. Chỉ cần cộng đồng mạng bày tỏ mong muốn được biết bí quyết nuôi dạy bé khỏe, bé ngoan là chủ nhân của các bài viết này sẵn sàng “bật mí” những kinh nghiệm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thuốc tăng đề kháng, tăng cường trí nhớ… đa dạng từ mẫu mã, hàm lượng đến nguồn gốc xuất xứ.
Chị Nguyễn Thu Hà (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) tâm sự, do lớn tuổi mới sinh con, sợ bị lạc hậu với cách nuôi truyền thống nên đã tham khảo nhiều phương pháp nuôi con thông minh trên mạng xã hội. Ở đó, rất nhiều cha mẹ đã chia sẻ các sản phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng nhằm thúc con “vượt trội”. “Phổ biến nhất là các sản phẩm có chứa Omega, DHA, EPA, DPA, vitamin nhóm B… với quảng cáo giúp tăng cường phát triển các tế bào thần kinh của trí não, để con vừa có vóc dáng cao lớn, vừa có bộ não thông minh...” chị Hà cho biết.
Cũng từng “lạc” vào “rừng” sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ não bộ, gia tăng thông minh cho trẻ em trên internet, chị Nguyễn Tú Anh (phường Phúc La, quận Hà Đông) không khỏi choáng ngợp. Các sản phẩm đa dạng từ dạng nhỏ giọt cho trẻ sơ sinh đến dạng kẹo dẻo cho các bé tập nhai… được quảng cáo bổ sung các thành phần vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng cần thiết cho sự hình thành và phát triển trí não trẻ em. Các sản phẩm giúp trẻ trong độ tuổi 10-15 cải thiện trí nhớ trước các kỳ thi vượt cấp cũng đa dạng.
“Tôi từng tự chọn sản phẩm ginkgo biloba vì cho rằng thành phần chiết xuất từ nguồn gốc thực vật nên sẽ an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, gần đây tôi chỉ mua sản phẩm sau khi có sự tư vấn từ bác sĩ”, chị Tú Anh cho biết.
Đáng lưu ý, trào lưu bổ sung thực phẩm chức năng thuộc diện "hàng xách tay" không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng được rất nhiều người đặt mua qua mạng xã hội. Nhiều cha mẹ tin tưởng làm theo hướng dẫn sử dụng của người bán hàng mà không biết rằng, rất nhiều người bán không có chuyên môn hay bằng cấp về lĩnh vực này.
Việc cung cấp dinh dưỡng, các loại vitamin và khoáng chất cho trẻ em cần bảo đảm tỷ lệ cân đối, hợp lý. Ảnh: Hải Anh |
Đừng để "bổ quá hóa hại"
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia), trẻ em đang ở độ tuổi phát triển, cần phải ăn đủ nhu cầu về năng lượng, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối hợp lý, cung cấp đủ nhu cầu các loại vitamin và khoáng chất. Để tăng cường sức khỏe, cần bổ sung các vitamin từ nguồn đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa, hải sản… Đặc biệt, các axit béo omega-3, DHA và EPA có nhiều trong cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ… Các phụ huynh tăng cường cho con sử dụng các loại rau xanh sẫm, hoa quả màu vàng, đỏ, sinh tố từ hoa quả, sữa không đường, đồng thời không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc tăng cường trí nhớ hay hỗ trợ não bộ nào mà chưa có sự thăm khám của bác sĩ.
Còn bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khẳng định, đa số trẻ em không cần thiết phải bổ sung các loại vitamin hay thực phẩm chức năng bởi bữa ăn hằng ngày đã cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất. Chỉ nên bổ sung vitamin tổng hợp cho bé trong một số trường hợp đặc biệt, như trẻ kém ăn, ăn không đủ chất, trẻ mắc bệnh mạn tính hay gặp vấn đề về tiêu hóa. Khi bổ sung những sản phẩm này, cha mẹ cần sử dụng đúng liều lượng, tránh trường hợp nghĩ là bổ mà dùng quá nhiều, sẽ gây hại, phản tác dụng. Ví như, vitamin nhóm B, C nếu bổ sung quá cao so với nhu cầu có thể bị ngộ độc do không đào thải kịp; hay DHA mang đến nhiều tác dụng tích cực cho sự phát triển trí não, nhưng nếu dùng không đúng liều lượng sẽ khiến trẻ mất tập trung, tâm trạng thất thường, thậm chí tổn thương tế bào não...
Ở góc độ quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, các thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung đều không phải là thuốc chữa bệnh, nhưng nhiều trang web, mạng xã hội đăng quảng cáo sai lệch, không phù hợp với hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm, thanh, kiểm tra nhằm ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
"Người tiêu dùng chỉ nên sử dụng thực phẩm chức năng cho trẻ khi có chỉ định của bác sĩ và không nên mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm duyệt, bán trôi nổi trên mạng xã hội" - ông Nguyễn Thanh Phong khuyến nghị.