Thực phẩm chức năng “bẩn”- nỗi ám ảnh của người tiêu dùng
Uống thực phẩm chức năng chợ trời, người đàn ông "mang bầu" Vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng ngày càng phức tạp |
Thực phẩm chức năng không xấu
Thực phẩm chức năng (tpcn) hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng các bộ phận trong cơ thể người. Có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể có tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tùy theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, còn có các tên gọi khác bao gồm:
Thực phẩm bổ sung: Là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng; các dạng chế biến khác, có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất sau đây:
- Vitamin khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.
- Hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, chất khoáng và nguồn gốc thực vật ở dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.
Sản phẩm dinh dưỡng y học: Loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông. Được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Do đó, xét về bản chất và công dụng, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói chung hay các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên như thảo dược, động, thực vật, khoáng vật… nếu đảm bảo đầy đủ các quy định về thành phần, an toàn vệ sinh thực phẩm… cũng như được sử dụng đúng cách, đúng mục đích sẽ mang đến những hiệu quả nhất định đối với sức khỏe con người, cũng như có tác dụng hỗ trợ điều trị đối với một số bệnh lý nhất định.
Tuy nhiên, một số TPCN được nhiều công ty giới thiệu và tiếp thị là thực phẩm có tác dụng chữa bệnh như một dược phẩm, được bán với giá cao nhưng lại không có tác dụng, nên người bệnh nghi ngờ, hiểu lầm. Ngoài ra, một số trường hợp người tiêu dùng không tuân thủ các khuyến cáo về liều dùng, cách dùng, thời gian dùng… cũng như lựa chọn các sản phẩm không phù hợp thể trạng, cơ địa cũng như vấn đề sức khỏe của bản thân. Dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả, không có tác dụng hay thậm chí xuất hiện các vấn đề sức khỏe, gây nên nhiều ám ảnh đối với người tiêu dùng.
Thực phẩm chức năng và thuốc từ thiên nhiên
Thuốc từ thiên nhiên được đánh giá là lành tính, an toàn, ít tác dụng phụ hơn so với các thuốc khác. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc có thể sử dụng một cách tùy tiện. Bất cứ sản phẩm nào dù là thuốc, thảo dược, TPCN cũng đều tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe, do đó cần cẩn trọng khi sử dụng. |
Một khái niệm khác cũng đang bị hiểu lầm, bởi phần đông người tiêu dùng đó là các sản phẩm thuốc từ dược liệu và TPCN. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một phần có liên quan đến việc tương tự nhau. Đôi khi do chưa có sự phân định rõ ràng giữa các sản phẩm này bởi cùng một loại hoạt chất hay một loại thảo dược. Có thể là thuốc dưới một tên thương mại A nhưng lại là TPCN với tên gọi B, dẫn đến nhiều khó khăn trong lựa chọn, gây nên sự hoài nghi cho người tiêu dùng.
Theo quy định từ Bộ Y tế, thuốc là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể. Bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế. Trừ TPCN, trong đó thuốc từ dược liệu là thuốc được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, thực vật hoặc khoáng chất. Thuốc Đông y là thuốc từ dược liệu, được bào chế theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền của các nước phương Đông. Điều này phân biệt rõ ràng với các TPCN có nguồn gốc thiên nhiên, từ dược liệu ở tính hiệu quả cũng như mục đích sử dụng.
Để phân biệt TPCN và thuốc dược liệu không khó. Cách đơn giản và chính xác nhất là dựa vào thông tin bao bì sản phẩm, TPCN trên bao bì sản phẩm luôn thể hiện thông tin “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Những bước tiến hiện đại
Cùng với sự phát triển của khoa học, y học cũng như các kỹ thuật trong phân tích, tách chiết, bào chế… thuốc có nguồn gốc thiên nhiên nói chung hay các thuốc, bài thuốc được dùng trong Đông y nói riêng đã có những bước tiến bộ ở các dạng bào chế mới như viên nang, viên bao đường, viên nén… Tương tự như các dạng thuốc từ y học hiện đại chứ không chỉ gói gọn trong các phương thức bào chế truyền thống kiểu cao, đơn, hoàn, tán. Ngày nay, các bài thuốc được sử dụng trong Đông y với hàng ngàn năm lịch sử cũng đã được nghiên cứu, chứng minh hiệu quả, giúp đa dạng hóa phương thức điều trị, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân.
Thế nhưng, thuốc từ dược liệu cũng gặp một số khó khăn nhất định. Sử dụng đơn lẻ một loại thảo dược đơn giản thì cũng không thể phân tích và kiểm soát được toàn bộ thành phần như các thuốc tân dược chứa hoạt chất tinh khiết khác. Do đó việc kiểm tra thành phần, chất lượng của thuốc dược liệu chỉ ở một mức độ nhất định dựa trên các thành phần chính, được quy định cụ thể tùy từng loại dược liệu. Hiệu quả của các thuốc từ dược liệu cần có sự tích lũy và phát huy sau một khoảng thời gian sử dụng do hàm lượng các hoạt chất trong dược liệu thường thấp, hiệu quả thường không xuất hiện nhanh chóng, mà cần sự tuân thủ dùng thuốc của bệnh nhân trong thời gian dài.
TS.DS. NGUYỄN THÀNH TRIẾT