Thúc đẩy các biện pháp mạnh, giảm nỗi đau tai nạn lao động

Theo thống kê, số lượng vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng giảm. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có số vụ TNLĐ nhiều nhất cả nước trong năm 2021. Chính vì thế, đã đến lúc, ngoài những biện pháp tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức của doanh nghiệp và người lao động, các ngành chức năng của TP Hà Nội cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Tạo động lực để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động Người lao động có thể nộp hồ sơ trực tuyến để hỗ trợ tiền thuê nhà Cán bộ, người lao động ngành Y tế Hà Nội tham gia hiến máu tình nguyệ

Nhói lòng những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng

Mặc dù, tai nạn lao động (TNLĐ) có xu hướng giảm trong năm 2021 nhưng theo báo cáo công bố hồi tháng 3 năm nay của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có số vụ TNLĐ nhiều nhất cả nước. Bên cạnh đó, báo cáo cũng liệt kê 2 vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. Đó là vụ TNLĐ nghiêm trọng do bỏng than, xảy ra ngày 22/1/2021, tại Công ty Cổ phần Xi măng Sài Sơn (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), hậu quả làm 1 người chết, 3 người bị thương; Vụ TNLĐ xảy ra ngày 28/11/2021 tại công trình xây dựng căn hộ HA11-SP12-89 khu đô thị Vinhomes Ocean Park thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, làm 1 người chết, 1 người bị thương.

Điều đáng nói, tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc không chỉ gây nên nỗi đau về thể xác, tinh thần của người lao động và gia đình họ, mà còn ảnh hưởng đến uy tính của doanh nghiệp và toàn xã hội.

Thúc đẩy các biện pháp mạnh, phòng ngừa tai nạn lao động hiệu quả
Đảm bảo an toàn lao động cho công nhân là việc làm thiết thực trong Tháng Công nhân 2022

Lắng nghe tâm sự của chị Bùi Thị Hiền, công nhân Công ty CP Kim khí Thăng Long bị tỷ lệ thương tật 51% sau một vụ TNLĐ mới thấu hết được sự xót xa, tổn thương đối với người bị tai nạn lao động. Chị Hiền gặp tai nạn trong ca làm việc buổi chiều sau bữa ăn trưa. Tại xưởng đột dập, trong lúc đưa tay vào lấy hàng, máy bất ngờ dập xuống khiến tay trái bị đứt, nát chỉ còn lại 1 ngón, tay phải dập nát. Sau đó, bác sĩ phải cắt hết cơ co, cơ duỗi của tay phải, đóng vào mấy cái đinh, cứu lấy 1 bàn tay chị.

Sau tai nạn, chị Hiền rơi vào tuyệt vọng. Chị trở nên mặc cảm không muốn tiếp xúc với ai vì đôi lúc chưa thể chấp nhận được việc bản thân bị mất mấy ngón tay. Có thể, tai nạn chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng nỗi đau tinh thần lẫn thể chất đối với chị Hiền có lẽ không bao giờ nguôi. Trải qua quá trình điều trị với không ít khó khăn, đến giờ chị Hiền được công ty hỗ trợ việc làm phù hợp với tình hình sức khỏe.

Cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa

Nhận thấy những hậu quả nặng nề mà TNLĐ để lại không chỉ cho người lao động mà còn cả doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch chủ động phòng ngừa TNLĐ. Đại diện Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long cho biết, sau tai nạn của chị Hiền, công ty đã đánh giá nguy cơ rủi ro dẫn đến mất an toàn lao động, đồng thời cải tiến kĩ thuật để công nhân được làm việc trong môi trường an toàn hơn. Nhờ vậy, từ đó đến nay công ty đã không còn trường hợp TNLĐ đáng tiếc nào xảy ra.

Đứng từ góc độ chuyên gia, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho rằng, để giảm thiểu tai nạn lao động, các doanh nghiệp phải tăng cường công tác tập huấn an toàn cho người lao động, bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình tập huấn phù hợp. Nếu có đơn vị nào cố tình móc nối với doanh nghiệp để hợp thức hóa sẽ rút giấy phép, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

TNLĐ sẽ khiến cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, tài chính thâm hụt, thậm chí có thể lâm vào cảnh nợ nần vì chi phí điều trị tai nạn và bệnh tật gây ra không phải số tiền nhỏ. Chính vì thế, đã đến lúc đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quan quản lý Nhà nước để tạo lập một môi trường lao động an toàn, hiệu quả.

Thúc đẩy các biện pháp mạnh, giảm nỗi đau tai nạn lao động

Một buổi huấn luyện về ATVSLĐ do Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Trường Trung cấp Nghiệp vụ và Dạy nghề Công đoàn Hà Nội tổ chức

Ông Dưỡng cho rằng, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần phải tăng cường kiểm tra giám sát các lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Chỉ khi nào việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trở thành thói quen, kỹ năng làm việc, hành vi văn hóa trong doanh nghiệp thì khi đó công tác an toàn lao động mới được bảo đảm.

Được biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND tổ chức Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội năm 2022 từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/5/2022. Theo đó, chủ đề của Tháng Công nhân năm 2022 là: “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”. Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 có chủ đề: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022, TP yêu cầu các sở, ngành, địa phương cùng các cơ quan liên quan tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động chuyên đề ATVSLĐ và hoạt động cộng đồng (tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động; tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động…); Thăm hỏi tặng quà các gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ánh Dương
Phiên bản di động