Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xử lý nghiêm bệnh nhân thứ 178 để răn đe, giáo dục
Sáng nay (29/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Ảnh minh họa |
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo, nhân dân các thành phố lớn đã đóng góp quan trọng vào phòng chống dịch, trong đó có việc xử lý nghiêm các vi phạm như ở Hà Nội, một cá nhân bị xử phạt 200 nghìn đồng vì không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Thủ tướng đồng ý giao Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 (khai báo vòng vo, thiếu trung thực) để răn đe giáo dục.
Thủ tướng nhấn mạnh “thời điểm vàng”, “giờ vàng” trong phòng chống dịch cần tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan, “chống dịch như chống giặc”.
"Việt Nam có 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, giờ đây chúng ta có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Đây là trách nhiệm nặng nề của tất cả hệ thống chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại tinh thần như trong bức điện của Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 7/4/1975, là “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!", Thủ tướng lưu ý: "Tinh thần này cần được vận dụng trong công cuộc phòng chống dịch bệnh hiện nay".
Thủ tướng đề nghị, cần xác định cụ thể các giải pháp phù hợp, riêng cho từng thành phố, từng địa bàn, khu dân cư; Ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra ở những nơi rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các bệnh viện, khu đô thị mới với mật độ dân cư cao, đầu mối giao thông vận tải…
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả mọi người từ nơi khác đến khu dân cư phải được giám sát, khai báo cụ thể; Phải phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với vùng chưa có người nhiễm để ngăn chặn ngay lập tức, khoanh vùng, dập dịch với phương châm “4 tại chỗ” phù hợp. Cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện.
Đặc biệt, phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện đối với các ổ dịch đã được thảo luận tại cuộc họp, nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và quán bar Buddha ở TP HCM; Phải tìm được những người (khoảng 40.000 người) ra vào Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua để theo dõi, sàng lọc, xử lý cụ thể từng trường hợp.
Với trường hợp Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha phải có phương án riêng trên tinh thần tìm ra, khoanh lại, cách ly quyết liệt, diện rộng bằng công nghệ và các phương pháp khác để giảm thiểu lây nhiễm từ các ổ dịch này.
Các tỉnh, thành phải tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ, chẩn đoán nhanh các ca nghi ngờ. Tập trung nâng cao năng lực điều trị cho tất cả các tuyến, tập huấn điều trị cho bác sĩ, nhân viên y tế, kể cả nhân viên y tế đã về hưu; Cần thiết lập hệ thống trung tâm của từng thành phố để theo dõi diễn biến phòng chống dịch và điều trị bệnh; Phải sẵn sàng mọi điều kiện, bảo đảm ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất như lương thực, thực phẩm, bệnh viện dã chiến, lực lượng dự phòng, kể cả khả năng tình trạng khẩn cấp và cao hơn; Tăng cường huy động thêm các bệnh viện khác để điều trị bệnh nhân Covid-19 ở một số địa phương.
“Các đồng chí phải tiếp tục rà lại, bổ sung năng lực y tế của thành phố về nhân lực, trang thiết bị, về con người, khả năng cung ứng dịch vụ và khả năng huy động tại chỗ”, Thủ tướng nói.
Các thành phố lớn là nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất có nhiều lao động, nhất là các khu công nghiệp, cần có giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động như một số thành phố đã làm.
Thủ tướng yêu cầu các thành phố lớn đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc trong thời kỳ dịch bệnh.
Nhắc lại câu “hiểu ta, hiểu địch, trăm trận trăm thắng”, Thủ tướng cho rằng, trận đầu chúng ta đã thắng nhờ nhận diện dịch như giặc và chủ động tấn công giặc. Lần này, dịch đến từ nhiều nguồn, mức độ phức tạp hơn, đến từ nhiều hướng nên cần triển khai cùng lúc nhiều mặt trận.
Điều quan trọng lúc này là trên dưới đồng lòng, anh em đoàn kết, tất cả cùng hiệp đồng tác chiến, phản ứng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống xảy ra trên từng thành phố.