Thêm 2 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
Tại Hòa Bình, có 2/6 mẫu lấy tại hộ ông Mai Xuân Trường (ở xóm Cát, xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn) dương tính với bệnh ASF.
Trước đó, khi có thông tin đàn lợn của hộ ông Trường bỏ ăn, ôm, chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hòa Bình phối hợp với cán bộ chuyên môn xã xuống kiểm tra. Tổng số lợn nhà ông Trường nuôi có 15 con (12 lợn thịt, 3 lợn nái) và lấy mẫu xét nghiệm.
Sau khi phát hiện có dịch ASF, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy đàn lợn mắc dịch, tại xóm Cáp, xã Hợp Thanh theo quy định. Đồng thời, địa phương tổ chức phun tiêu độc khử trùng, hạn chế người qua lại khu vực ổ dịch, lập các chốt ngăn ngừa dịch lây lan.
Tại Điện Biên, cả 4 mẫu xét nghiệm lấy tại một số hộ gia đình tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo đã phát hiện có dịch ASF.
Ngay sau khi phát hiện có dịch bệnh, địa phương tiến hành khoanh vùng, lập các chốt chặn tại những khu vực phát hiện dịch, đồng thời lên phương án tiêu hủy đối với toàn bộ số lợn nằm trong khu vực phát hiện mẫu dương tính theo quy định của pháp luật.
Theo nhận định của cơ quan thú y Điện Biên, dịch ASF có dấu hiệu lan sang các địa bàn khác thuộc 2 xã Ta Ma và Mường Mùn, huyện Tuần Giáo.
Điện Biên đã họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để thống nhất các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi ngày 4/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Thủ tướng nêu rõ: "Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng về ngăn chặn, khống chế dịch tại địa phương”.
Thủ tướng cũng yêu cầu hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu huỷ do mắc dịch phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cùng với đó, cần giám sát thực hiện để bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách.
Để ngăn ngừa dịch lây lan, Thủ tướng khuyến cáo người dân thực “5 không”: Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình lây lan dịch tả lợn châu Phi đang có những diễn biến phức tạp. Trong vòng một tháng, 202 hộ ở 7 tỉnh, thành phố báo cáo có dịch, hơn 4.200 con lợn đã bị tiêu hủy ngay khi có kết quả dương tính với dịch bệnh.
Hiện mức hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định là 38.000 đồng/kg, thấp hơn với giá thị trường. Thủ tướng đã chấp thuận đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái.