Thanh Hóa: Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát
Khai man để "trục lợi từ dịch tả lợn châu Phi" ở Hải Dương Phường có dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của Hà Nội tái phát dịch |
Tại tỉnh Thanh Hóa, sau thời gian được khống chế, dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại với tốc độ rất nhanh.
Theo VOV tại huyện Quảng Xương, hiện có 23/30 xã công bố dịch, 4 xã đang gửi mẫu đi xét nghiệm và chỉ còn 3 xã chưa có dịch. Nguyên nhân được cho là do chính quyền địa phương thiếu sự kiểm tra, giám sát nên công tác chỉ đạo phòng chống dịch hiệu quả thấp, dịch bệnh bùng phát nhanh trên diện rộng và gây thiệt hại lớn.
Ông Lê Huy Kỳ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Xương cho biết, huyện đã nhận thấy khuyết điểm và đã chấn chỉnh, chỉ đạo, giao trách nhiệm đến từng địa phương. “Chống dịch phải gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, nhất là khi cấp trên kiểm tra phát hiện thiếu trách nhiệm người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Thương lái vận chuyển lợn tại huyện Nông Cống chiều 20/5. Ảnh VOV |
Giáp ranh với huyện Quảng Xương, huyện Nông Cống là nơi dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện. Đến thời điểm này, dịch chủ yếu lây lan ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa xâm nhập khu vực trang trại. Vì vậy, việc tập trung cách ly, ngăn không để dịch lây lan vào khu vực này là nhiệm vụ cấp bách.
Ông Đồng Minh Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nông Cống cho biết: “Có những xã đang diện hẹp phải lập chốt cấp thôn, nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan thì phải thành lập các chốt ở huyện. Đã có hội nghị khẩn cấp hướng dẫn biện pháp ngăn chặn, cấp hóa chất phun tiêu độc khử trùng, đồng thời họp khẩn với các trang trại lớn vì hiện chưa xuất hiện tại các trang trại, để hỗ trợ và làm sao khống chế không lây lan sang trang trại”.
Chỉ trong 18 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh mới thêm tại 10 huyện và 90 xã. Như vậy, chỉ tính 20 ngày của tháng 5, số ổ dịch, đơn vị phát sinh dịch đã gấp 3 lần số ổ dịch phát sinh trong 67 ngày đầu xảy ra dịch.
Tỉnh Thanh Hóa xác định, tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất nguy hiểm, phức tạp, nguy cơ dịch bùng phát tiếp tục trên diện rộng, khó kiểm soát. Theo ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân chính là do một số huyện, xã, công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh chưa được kịp thời, chậm báo cáo; lấy mẫu xét nghiệm và công bố dịch chậm, dẫn đến việc tiêu hủy lợn mắc bệnh chưa kịp thời, không triệt để. Mặt khác vẫn còn một số huyện, xã có tư tưởng chủ quan sau khi công bố dịch. Ông Lê Đức Giang cho biết, sẽ tăng cường giám sát theo phương châm cơ quan chức năng giám sát huyện, huyện giám sát xã, xã giám sát thôn.
Trước tình hình dịch có diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa đi kiểm tra tại cơ sở và có buổi làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Không chỉ tại Thanh Hóa, cả nước đều đang tập trung chống dịch tả lợn châu Phi. Mới đây, tại văn bản số 4291/VPCP-NN của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, căn bản hơn nữa các giải pháp phòng chống dịch.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo Quốc gia phải có kế hoạch tổng thể về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và có kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn, từng khu vực; các địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương mình và cho từng giai đoạn.
Đồng thời tăng cường trách nhiệm người đứng đầu khi các Thành viên của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trực tiếp làm trưởng Đoàn công tác đến từng tỉnh, thành phố để đôn đốc, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cần chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; kịp thời rà soát điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch ứng phó bệnh Dịch tả lợn châu Phi, không để dịch bùng phát ảnh hưởng tới cuộc sống, môi trường và sức khỏe người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu huỷ do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp rõ ràng, chặt chẽ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh; phải có phương án cụ thể để tiêu hủy lợn bị bệnh phù hợp với các cấp độ xảy ra, huy động các lực lượng đủ mạnh tham gia hỗ trợ khi cần thiết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tổ chức chống dịch có hiệu quả hơn, sát thực tế và khả thi hơn; vừa bảo đảm chống dịch nhưng cũng tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, minh bạch.