“Thân cò” nặng gánh mưu sinh...

Rời xa quê hương ra Hà Nội mưu sinh, những người phụ nữ thường chọn gánh hàng rong làm “sự nghiệp”. Thay vì bóng dáng uyển chuyển như trong thơ họa, người phụ nữ bán hàng rong hằn lên nét khắc khổ bởi phải oằn mình chèo chống cả gia đình.
Những phận người nặng gánh mưu sinh ngày cận Tết Chàng trai đẩy xe chở mẹ nhặt ve chai Nhọc nhằn chợ lao động vùng cao Nông dân dùng bắp làm mồi bắt cua đồng Nguy hiểm bủa vây những chuyến xe Grabbike về đêm

Rong ruổi chốn thị thành

Những ngày cuối năm 2019, khi gió mùa lạnh ùa về, xóm nhỏ ven chợ hoa quả Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) như bận rộn, đông đúc hơn.

Từ mờ sáng, người dân khu trọ đã đi lấy hàng rồi đạp xe bán dạo khắp những khu phố của Hà Nội. Họ chỉ trở về nhà trọ khi trời tối mịt, có khi đến tận đêm khuya. Kết thúc công việc hàng ngày của những người bán hàn rong thường vào lúc nửa đêm. Phòng trọ chỉ là nơi các chị ngả lưng tạm thời sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Cũng vì nhu cầu chỉ có vậy nên các chị thường chọn cách sống chung những người có cùng cảnh xa quê để giảm bớt khoản chi phí thuê nhà. Khó ai tin được căn phòng vỏn vẹn 20m2 nhếch nhác, tạm bợ nơi đây lại có tới hàng chục người phụ nữ vừa ăn ngủ, vừa nấu nướng.

than co nang ganh muu sinh
Ảnh minh họa: Vương Đức

Một cư dân cho biết, họ đã phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để có chỗ ở trong khu trọ này. Nâng vạt áo quyệt giọt mồ hôi trên má, chị Lê Thị Nhài (ở Lý Nhân, Hà Nam) tâm sự: “Ở quê vất lắm, tôi bán mặt cho đất bán lưng cho trời vẫn không đủ ăn. Cả năm trồng lúa được vài triệu, thiên tai bão bùng thì lại mất mùa. Không lên đây làm thì cả nhà chết đói. Dù thiếu thốn nhưng cũng phải quen thôi, người ta ở được mình cũng ở được, ít ra còn có nơi chui vào”.

Với mong muốn cải thiện cuộc sống, những ngày nông nhàn chị Nhài lại khăn gói lên thành phố cùng chồng theo các công trình xây dựng làm phụ hồ, lúc sẵn quang gánh thì lấy ít hàng lang thang bán thêm. Vất vả là thế nhưng cả ngày công cũng chỉ được 100 - 200 nghìn đồng. Với chị Nhàn, đây là số tiền không nhỏ.

Vừa thoăn thoắt phân loại phế liệu mua về, chị Nguyễn Thị Liễu (quê ở Quan Sơn, Thanh Hóa) vừa trò chuyện với phóng viên: “Bão số 3 vừa rồi, lũ quét cuốn nhà cửa và tài sản nên cả nhà phải bồng bế nhau ra Hà Nội mưu sinh. Làm việc này thì chỉ cần chăm chỉ, chịu khó, trừ ăn uống và thuê trọ, tôi dành dụm mỗi tháng cũng được dăm ba triệu. Ở quê làm bao giờ cho ra, tôi cố dành ít tiền để mua ngói lợp lại mái nhà đã hỏng. Tết đến nơi rồi”.

Cùng cảnh ngộ, chị Bùi Thị Mến (quê ở Sơn Động, Bắc Giang) đã gắn bó với Hà Nội gần 7 năm nay. Công việc của chị khá thất thường, có khi đi phụ rửa bát cho các nhà hàng, lúc thì quét dọn nhà thuê, lúc lại lấy mối hàng gánh đi bán thêm. Chị Mến nói với giọng đầy lạc quan: “Tuy lao động chân tay nhưng tôi cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Bảy năm nay, tôi ít nhiều đã quen với cuộc sống vất vả, xô bồ nơi đô thị. Quan trọng hơn, hằng tháng tôi có một khoản để lo cho thằng đầu học đại học”.

Hy vọng nào cho lao động nghèo…

Có người nói rằng, Hà Nội vắng những gánh hàng rong sẽ thấy thiếu đi một cái gì đó trong cuộc sống của người dân đô thị. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng nhiều gánh hàng rong gây mất mỹ quan đường phố, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè nên đã cấm.

Khi mà thu nhập chưa cao, những gánh hàng rong là cuộc sống của một số gia đình ngoại tỉnh. Nếu có thể quy hoạch môt khu dành để bán hàng rong thì chúng ta sẽ quản lý tốt được. Khu này quy định chỉ cho đi bộ, như vậy vừa quản lý được vệ sinh an toàn thực phẩm vừa không để xảy ra tình trạng hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khắp các con phố; Người bán hàng rong không bị tước đi kế sinh nhai, tạo nét độc đáo riêng cho thành phố, thu hút thêm khách du lịch.

Trường hợp xét thấy phải cấm triệt để hàng rong, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho những hộ gia đình, cá nhân do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phải bám trụ mưu sinh ở Thủ đô. Cụ thể, chính quyền tạo điều kiện cho họ chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết được vấn đề sinh kế của người dân thì mới giải tỏa triệt để việc buôn bán thiếu ổn định.

Gánh hàng rong ra đời từ những buổi họp chợ, người ta thường mang vác, gánh thồ hàng hóa của mình đến mua bán, trao đổi với khách hàng. Dần dần, người ta đem gánh hàng của mình đến từng con hẻm, khu dân cư, những nơi tập trung đông người để buôn bán. Gánh hàng rong có khi là bát cơm cả gia đình nhưng đã đến lúc phải thay đổi để những đôi vai gầy bớt trĩu nặng mỗi buổi chiều tà.

Chính Thuần/Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động