Tesla - Sự trả thù của xe điện
Tesla hiện nay là cái tên nổi nhất trong làng xe điện với hàng loạt mẫu xe hấp dẫn và có một người thuyền trưởng đầy cá tính: Elon Musk. Đây là hãng xe mới có thể coi là thành công nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây và nhiều người cho rằng chính Tesla đã khiến các hãng xe truyền thống phải nghiêm túc hơn với cuộc chơi xe hơi chạy điện.
Các ông trùm như Volkswagen hay GM, FCA đã công bố những kế hoạch sản xuất xe điện với nguồn vốn hàng chục tỷ USD nhưng có vẻ họ đều đi sau 1 hãng xe non trẻ là Tesla ít nhất là 10 năm. Loạt bài dài kỳ này sẽ hé lộ những thông tin thú vị về hành trình khởi nghiệp của hãng xe Tesla – hãng xe non trẻ đã làm tất cả những gì có thể để tồn tại.
Phần 1 – Sự khởi đầu
Câu chuyện của Tesla lại không bắt đầu với Elon Musk mà nhân vật chính ban đầu lại là một chàng trai khiêm tốn hơn nhiều: J.B Straubel. Straubel là một nhân vật điển hình trong những bộ phim khoa học viễn tưởng: anh trầm tính, khiêm tốn nhưng luôn tìm tòi, chọc phá mọi thứ và đặc biệt thích chế tạo.
Anh tự tạo nên một phòng thí nghiệm khoa học trong tầng hầm nhà mình với đầy ắp các lọ hóa chất anh mua được, mượn được hoặc trộm được. Năm 13 tuổi, Straubel tìm thấy 1 chiếc xe golf cũ nhặt được ở bãi rác. Anh đã mang nó về, tìm cách sửa để nó hoạt động trở lại.
Khi lớn lên, anh theo học Đại học Stanford với ý định trở thành một nhà vật lý. Thời đó, trào lưu công nghệ sạch mới nhen nhúm lên với một vài công ty có ý định sản xuất xe hơi chạy điện. Straubel thường xuyên lui tới gara của những công ty khởi nghiệp này và làm phiền họ. Anh cũng tự mày mò và chế được 1 chiếc Porsche “hàng thải” mà anh mua với giá 1.600 USD thành xe chạy điện. Điều đó có nghĩa là mọi kỹ năng của anh đều được tận dụng, từ gò, hàn cho đến việc chế tạo bộ điều khiển động cơ điện cũng như viết phần mềm để vận hành toàn bộ chi tiết.
Cũng nhờ chiếc xe này mà mà anh nhận ra hạn chế của pin axít-chì. “Chiếc xe chỉ chạy được khoảng 50 km là hết pin. Tôi phải chế thêm một động cơ xăng để nạp pin để đi xa hơn. Đã có lần tôi chạy một mạch 640 km đến Los Angeles và quay về”.
Anh ra trường và chuyển đến sống tại Los Angeles trong khi vẫn đau đáu nghĩ về xe hơi chạy điện. Anh tập hợp một nhóm sinh viên Stanford và cùng họ phát triển cách áp dụng những cục pin lithium-ion 18650, vốn rất phố biến trên các thiết bị điện tử như laptop, lên xe hơi chạy điện. Anh cũng vẽ phác thảo 1 nguyên mẫu xe hơi trông chẳng khác nào một quả ngư lôi, với khối pin chiếm 80% trọng lượng xe. Straubel không ngần ngại đạp xe khắp khu Palo Alto để chào bán ý tưởng xe chạy điện này, anh gửi email cho bất kỳ ai anh nghĩ đến.
Tuy nhiên, chẳng ai quan tâm đến thứ mà anh đang bán. Hàng trăm email gửi đi nhưng chẳng hề nhận được một hồi âm trong nhiều tháng. Bạn biết đấy, Thung lũng Silicon là nơi mà có người sẵn sàng bỏ tiền ra cho các ý tưởng điên rồ như máy tự động làm vườn sử dụng AI hay phần mềm hẹn hò trên máy bay – nhưng không ai chịu bỏ tiền ra để hiện thực hóa xe chạy điện! Không có ai, cho đến khi Straubel gặp Elon Musk.
Sau cuộc gặp này, Straubel đã mời Musk đến thăm nhà máy AC Propulsion của bạn thời đại học của anh, Tom Cage. Tom Cage đã cho Elon Musk lái thử chiếc xe điện Tzero mà các kỹ sư AC Propulsion đang thử nghiệm. Elon đã thích mê chiếc xe điện có khả năng tăng tốc từ 0 lên 100 km/h chỉ trong 4,9 giây này. Trong nhiều tháng, Elon Musk liên tục đề nghị cấp vốn để thương mại hóa Tzero nhưng đều bị Tom Cage từ chối. Trong email cuối cùng gửi Cage, Elon Musk viết: "Tốt thôi, tôi sẽ tự sản xuất xe điện và sẽ tạo ra một phiên bản cao cấp hơn và có hiệu năng cao hơn nhiều”.
Tuy nhiên, Straubel không phải là người duy nhất nghĩ đến xe hơi chạy điện trong khoảng thời gian đó. Martin Eberhard và Marc Tarpenning là hai nhà sáng chế đầy tài năng đến từ Bắc California. Họ đã sáng tạo ra NuvoMedia với sản phẩm là những cuốn sách điện tử đầu tiên trên thế giới có tên Rocket eBook. Sau này, bộ đôi trên bán NuvoMedia và kiếm được khoản lợi lên tới 187 triệu USD.
Eberhard là một kỹ sư tài năng với một ý thức xã hội đáng trân trọng. Anh muốn làm gì đó sau khi chứng kiến những xung đột xoay quanh dầu mỏ và tình trạng ấm lên toàn cầu. Anh đề nghị mua lại AC Propulsion với giá 500.000 USD nhằm cố gắng biến nó thành một doanh nghiệp thương mại thay vì một xưởng tự phát. Họ từ chối nên Eberhard đã quyết định thành lập công ty của riêng mình và xem thử pin lithium-ion làm được những gì.
Ngày 1 tháng 7 năm 2003, Eberhard và Tarpenning chính thức thành lập Tesla Motors – cái tên vừa để thể hiện sự kính trọng với thiên tài Nikola Tesla, vừa có độ “chất” thay vì những tên hãng xe chán ngắt. Hai nhà sáng lập đã thuê một văn phòng nhỏ tại số 845 Đại lộ Oak Grove, khu Menlo Park. Vài hôm sau, kỹ sư trẻ Ian Wright gia nhập Tesla và trở thành nhân viên thứ ba của công ty.
Bất kỳ ai cố gắng thành lập một công ty xe hơi tại Mỹ đều được nhắc nhở ngay rằng công ty khởi nghiệp cuối cùng thành công trong ngành này là Chrysler (thành lập năm 1925). Thiết kế và chế tạo ra một chiếc xe hơi từ đầu đến cuối là thử thách vô cùng lớn, nhưng sản xuất được hàng loạt và thực sự kiếm ra tiền từ chiếc xe đó mới là thử thách khó khăn nhất. Các nhà sáng lập Tesla ý thức được thực tế này. Họ biết rằng từ rất lâu rồi, chính Nikola Tesla đã chế tạo được xe chạy điện sơ khai – trở ngại là phải xây dựng một nhà máy sản xuất xe hơi cùng phụ tùng đi kèm.
Càng nghiên cứu về ngành sản xuất xe hơi, 2 chàng trai sáng lập Tesla Motors càng biết rằng các hãng sản xuất xe hơi lớn thực ra không còn tự chế tạo xe nữa. Cái thời Henry Ford nhập nguyên liệu thô vào một đầu nhà máy và sản xuất xe hơi ở đầu bên kia nhà máy Michigan đã qua từ lâu. BMW không còn tự sản xuất kính chắn gió, ghế ngồi hay kính chiếu hậu nữa – các hãng sản xuất thứ ba sẽ lo việc đó. “Công việc duy nhất họ vẫn làm là nguyên cứu, phát triển, marketing, bán hàng và lắp ráp thành phẩm. Chúng tôi cứ ngây thơ nghĩ rằng mình cũng sẽ tiếp cận được với các nhà cung cấp giống như họ”.
Để hiện thực hóa giấc mơ xe điện, họ cần những mạnh thường quân, những nhà đầu tư thiên thần – tức là họ có thể bỏ ra những khoản tiền lớn mà không trông mong lợi nhuận. Người đầu tiên mà Eberhard và Tarpenning nghĩ đến là Elon Musk. Họ đã gặp anh ấy ở Hội Hỏa tinh, nơi Musk trình bày về kế hoạch đưa chuột lên sao Hỏa. Họ nhận ra rằng anh chàng này không giống với những gã triệu phú lắm tiền nhưng thiếu tầm nhìn. Điều họ không ngờ rằng chỉ sau 2 lần gặp, Musk đã đáp gọn lỏn: “Okay, tôi tham gia”.
Các nhà sáng lập Tesla các giác như họ quá may mắn có được một nhà đầu tư hoàn hảo. Mush có đội ngũ kỹ sư đủ thông minh để hiểu rằng họ đang chế tạo thứ gì. Elon Musk cũng chia sẻ mục tiêu lớn hơn của họ: cố gắng chấm dứt cơn nghiện dầu mỏ của nước Mỹ. Với khoản đầu tư 6,5 triệu USD, Elon Musk đã trở thành cổ đông lớn nhất của Tesla kiêm Chủ tịch công ty. Không lâu sau đó, Musk đã gọi cho Straubel và đề nghị anh tham gia Tesla với mức lương 95.000 USD/năm và nhiệm vụ hoàn thiện bộ pin cho xe Tesla. Và như vậy, với mội đội ngũ vỏn vẹn chỉ 5 người chia sẻ chung giấc mơ xe điện, Tesla Motors đã sẵn sàng tuyên chiến với cả thế giới.
(còn tiếp)