Tấm "pin" phơi bò một nắng: Kiểm soát chặt biến hiểm hoạ thành tiền
Hết vòng đời, tái chế lấy tiền
Là người nghiên cứu về năng lượng tái tạo, PGS.TS Võ Viết Cường (Khoa Điện - Điện tử, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) chia sẻ: “Chúng ta phải xác định được rằng, không có gì là sạch tuyệt đối cả. Nhưng năng lượng mặt trời giảm hệ số khí thải đến 90% so với các nguồn năng lượng truyền thống”, ông Võ Viết Cường nói.
Dẫn chiếu các quy định từ các nước phát triển, PGS.TS Võ Viết Cường thấy rằng vấn đề tái chế tấm thu năng lượng mặt trời đã được nhiều nước châu Âu đưa ra rõ ràng, cụ thể và bắt buộc thực hiện.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu lần lượt thông qua các quy định về tái chế tấm năng lượng mặt trời là Anh, Đức, Séc,...
Theo đó, các nhà sản xuất phải cung cấp tất cả dữ liệu về tấm panel mặt trời; thúc đẩy tái sử dụng các tấm panel năng lượng mặt trời; ít nhất 75% (tính theo trọng lượng) của các mô đun nhà sản xuất bán ra phải được phục hồi; ít nhất 65% (theo trọng lượng) trải qua quá trình tái chế; chịu sự giám sát của Viện nghiên cứu và bảo vệ môi trường quốc gia Ý; hàng năm gửi báo cáo chi tiết cho Bộ môi trường và bảo vệ lãnh thổ và biển về số lượng và chủng loại thiết bị điện và điện tử trên thị trường, chuẩn bị tái sử dụng, tái chế và thu hồi.
“Thế giới có đầy đủ công nghệ bóc tách, tái chế, xử lý tận cùng những điều người ta tạo ra. Quản lý nhà nước làm rất rõ, nhà sản xuất tạo ra sản phẩm thì phải có trách nhiệm thu hồi về. Nếu không làm được thì sẽ bị phạt”, vị này chia sẻ.
Ở khu vực châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước đi trước Việt Nam về phát triển năng lượng mặt trời. Ở Hàn Quốc, năm 2017 Bộ thương mại, công nghiệp và năng lượng đã thành lập một cơ sở tái chế chất thải mô đun PV ở phía bắc tỉnh Chung cheong.
Ở Mỹ và Malaysia đã thành lập các nhà máy First Solar sử dụng phương pháp tái chế với tỷ lệ thu hồi 95% cho Cd và 90% đối với thủy tinh.
Theo PGS.TS Võ Viết Cường, các nhà máy tái chế tấm thu năng lượng mặt trời đang có công suất 4-14% tổng công suất đang lắp đặt. Lý do con số này đạt thấp là bởi đây là loại hình năng lượng mới bùng nổ, 20 năm nữa nhu cầu xử lý tấm thu năng lượng mặt trời sẽ tăng mạnh, nhất là từ 2030-2050.
Siết chặt quy định: Biến rác thành tiền
Theo nghiên cứu của PGS.TS Võ Viết Cường, một dự án điện mặt trời vẫn tạo ra C02 như bình thường. Tính toán của ông cho thấy, hệ số khí thải của ngành điện Việt Nam (tùy cơ cấu các nguồn điện) khoảng 120-130 gam cacbon trên 1 kwh điện. Trong khi đó, với điện mặt trời (phát sinh khí thải từ khai thác nguyên vật liệu thô, sản xuât ra tấm thu năng lượng, tái chế) khoảng 10 gam cacbon/kWh. Như vậy, có thể giảm ít nhất 90% lượng khí thải so với các nguồn điện truyền thống. |
Điện mặt trời mới thực sự bùng nổ ở Việt Nam trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, những câu hỏi về việc xử lý tấm thu năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng sau 15-20 năm đã xuất hiện. Điều này cho thấy nhận thức xã hội đã khác, nhất là về vấn đề môi trường. Việc đặt vấn đề sớm như vậy cũng góp phần đưa ra những giải pháp để Việt Nam chủ động trong việc xử lý những mặt trái của năng lượng mặt trời.
Thực tế tại Việt Nam, những quy định cụ thể liên quan đến việc xử lý tấm thu năng lượng mặt trời đã có. Điều này được thể hiện tại Thông tư 18/2020 của Bộ Công Thương quy định phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, trong đó điều khoản yêu cầu về môi trường nói rõ: Trong quá trình vận hành hoặc khi kết thúc dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà, bên bán điện có trách nhiệm thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị của các công trình điện mặt trời theo đúng quy định của pháp luật.
Một số ý kiến cho rằng quy định như vậy là khá chung chung và không có nhiều sự ràng buộc.
Trước các ý kiến này, chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng: Vấn đề thu hồi pin hết hạn sử dụng hiện nay có quy định trong Thông tư 18 cũng như các hợp đồng mẫu trong thông tư 18, quy định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm thu gom và xử lý.
Tuy Thông tư 18 không đề cập đến chế tài trong trường hợp chủ đầu tư không tuân thủ chấp hành, song, theo ông Dũng, Luật Xây dựng cũng như các nghị định hướng dẫn Luật xây dựng nêu rất rõ vấn đề này. Cụ thể, các công trình hết thời hạn, chủ đầu tư các công trình nói chung chứ không chỉ các công trình điện mặt trời hay thủy điện đều phải có trách nhiệm tháo dỡ và xử lý mặt bằng nhà máy đã xây dựng.
Nhấn mạnh chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo lưu ý, vai trò của Nhà nước là xây dựng các hệ văn bản để doanh nghiệp tuân thủ, thực hiện, “chứ không phải lúc nào Nhà nước cũng đứng ra thực hiện”. Điều này có nghĩa, không thể quy định chủ đầu tư phải nộp tiền trước để sau này Nhà nước có nguồn thực hiện xử lý các tấm năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng như một số ý kiến đưa ra.
Mặt khác, công nghệ hoàn toàn xử lý được các tấm thu năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng, hoàn toàn không phải là “chỉ có vứt đi, không thể tái chế”.
“Đã có những công ty ở Mỹ, Pháp xử lý những tấm thu năng lượng mặt trời. Khoa học công nghệ trong lĩnh vực này đang tiến bộ rất nhanh, tin tưởng rằng khoảng 20 năm nữa khi chúng ta có những tấm pin thải ra từ nhà máy, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm được. Tôi có tiếp xúc với một số doanh nghiệp, họ nói muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng thị trường còn nhỏ quá nên chưa thể làm. Tuy nhiên trong tương lai, họ sẽ coi đó là một lĩnh vực kinh doanh tốt”, ông Hoàng Tiến Dũng chia sẻ.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khẳng định tấm thu năng lượng mặt trời có tỷ lệ tái chế rất cao. Trong đó, vật liệu thu hồi có giá trị lớn nhất là Bạc (Ag), tuy trọng lượng không nhiều nhưng tỷ lệ trong giá thành là trên 50%. Vì vậy, cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế tấm thu năng lượng mặt trời ở Việt Nam.