Tám bệnh nhân Covid-19 đang diễn tiến rất nặng
Sáng 31/7: Thêm 45 ca COVID-19, Việt Nam 509 ca Hà Nội xét nghiệm nhanh cho người từ Đà Nẵng về xong trước ngày 2/8 |
So với giai đoạn trước, bệnh nhân Covid-19 giai đoạn mới chuyển xấu nhanh hơn, nhiều bệnh nhân nặng do có nhiều bệnh nền.
Trao đổi với báo chí ngày 30/7, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong số 48 ca mắc Covid-19 từ ngày 25/7 đến nay, có 2 bệnh nhân đang phải can thiệp ECMO là 416 và 437, 5 ca nặng khác đang được thở máy.
Một bệnh nhân khác ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam cũng đang chuyển nặng.
Trong đó, bệnh nhân 437, 61 tuổi là trường hợp nặng nhất, tiên lượng rất xấu, nhiều ngày qua các chuyên gia và bác sĩ phối hợp hết sức, cố gắng cứu chữa, nhiều lúc tưởng không qua khỏi. Bệnh nhân đang chạy ECMO kết hợp thở máy.
Ekip bác sĩ hồi sức tích cực từ Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đây cũng là bệnh nhân có nhiều bệnh nền nhất hiện nay, bao gồm tăng huyết áp, gút, suy tim, từng bị phù phổi cấp, suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ 2 năm nay, có đợt rung nhĩ, có tổn thương nặng do phù phổi cấp.
Các thầy thuốc đang tập trung điều trị về đa kháng thuốc, lọc thận, chống nấm, chống đông máu và các biện pháp cận lâm sàng khác, theo dõi sát bệnh nhân từng giờ, tiên lượng rất dè dặt.
“Từ đầu đợt dịch đến giờ, chúng ta từng vất vả với bệnh nhân 19, 91… nhưng đợt này thực sự diễn biến nhanh hơn, tăng bệnh nhân nặng, bệnh nhân có nhiều bệnh nền hơn, tình trạng nguy kịch đến nhanh hơn, khó khăn hơn”, PGS Khuê nhận định.
Dù vậy, ngành y tế luôn quán triệt tinh thần nỗ lực cứu chữa hết sức, không bỏ lại ai phía sau, cố gắng không để bệnh nhân nào tử vong.
Chỉ trong vòng 1 tuần qua, Hội đồng chuyên môn, Bộ Y tế đã có tới 5 cuộc hội chẩn trực tuyến quốc gia. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quyền Bộ trưởng Y tế cùng các thứ trưởng đã trực tiếp tham gia hội chẩn với các thầy thuốc.
Ekip bác sĩ hồi sức tích cực từ Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19
Hiện Đà Nẵng là địa phương điều trị đông bệnh nhất với hơn 20 trường hợp, để “chia lửa” với Đà Nẵng, Tiểu Ban điều trị đã đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng chuyển bớt các bệnh nhân nhẹ xuống bệnh viện tuyến huyện như Bệnh viện Hoà Vang, thiết lập một trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi để tiếp nhận các bệnh nhân nhẹ và vừa.
“Còn lại tất cả những bệnh nhân nặng, chúng tôi chỉ định chuyển sang Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Toàn bộ bệnh nhân đang điều trị tại đây sẽ được chuyển về cơ sở 1, dành toàn bộ chỗ để tiếp nhận những bệnh nhân nặng từ Đà Nẵng và các tỉnh lân cận như Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi”, PGS Khuê thông tin.
Theo ông Khuê, việc buộc phải chuyển bệnh nhân nặng ra Huế do các kĩ thuật chuyên sâu như ECMO, thở máy… cần các thầy thuốc có kinh nghiệm và ở đây cũng tích hợp nhiều chuyên khoa khác như hồi sức, X-quang, siêu âm, dược lâm sàng, huyết học, miễn dịch, vi sinh, dinh dưỡng… giúp điều trị bệnh nhân thuận lợi nhất.
Tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, một đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Bạch Mai do GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện phụ trách đang cắm chốt tại đây để hỗ trợ bệnh viện thiết lại lại toàn bộ đơn nguyên điều trị.
“Theo tinh thần của Phó Thủ tướng, phải nỗ lực chi viện cho Đà Nẵng và tỉnh miền Trung cứu chữa bệnh nhân nặng, không để ai tử vong. Hiện nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, từ các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhiệt đới Trung ương, Nhiệt đới TP.HCM, Bạch Mai… luôn sẵn sàng. Đây đều là những nơi có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng”, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh nói.
Ngay hôm nay, ngành Y tế đã điều động 2 “đội quân chủ lực” về Đà Nẵng. Trong đó, nhóm thứ nhất gồm các cán bộ xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM, Chợ Rẫy, Nhiệt đới TP.HCM ra Đà nẵng giúp tăng cường năng lực xét nghiệm.
Nhóm thứ 2 gồm các thầy thuốc giỏi của Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhiệt đới TP.HCM để hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng, Quảng Nam về hồi sức tích cực, vận hành máy móc, trang thiết bị.
Một lượng lớn thuốc khám nấm, thuốc chống đông, kháng sinh… cũng đã được huy động để dồn sức cứu chữa các bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân nặng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các cơ sở y tế tập trung nguồn lực, dốc sức điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhưng phải chú trọng bảo vệ nhân viên y tế: "
Cuộc chiến phòng, chống Covid-19 còn dài, phía trước còn rất nhiều thách thức. Do đó, trước tiên, chúng ta phải bảo vệ các y bác sĩ và nhân viên y tế để có người điều trị cho bệnh nhân.
Các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị Covid-19 vì căn bệnh này rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Chúng ta phải nỗ lực cao nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và rất nặng", ông Khuê nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế. Trước đó, các máy thở, máy ECMO đã được Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy mang đến Đà Nẵng “chi viện” cho địa phương này thêm nguồn lực, vật tư thiết bị chống dịch.
Bộ Y tế cho biết sẽ có văn bản quy định các trường hợp từ Đà Nẵng về và có biểu hiện bệnh đến cơ sở y tế (có khả năng xét nghiệm) để xét nghiệm sàng lọc Covid-19 sẽ được bảo hiểm y tế chi trả.