Tài xế xử lý thế nào khi không uống rượu bia mà vẫn có nồng độ cồn?
Thực hư thông tin nồng độ cồn "trong ngưỡng" sẽ không bị phạt khi tham gia giao thông |
Kiểm tra nồng độ cồn đang là một trong những vấn đề quan tâm lớn của giới tài xế nói riêng và xã hội nói chung.
Đặc biệt, gần đây, lực lượng CSGT toàn quốc quyết liệt xử lý nồng độ cồn, khiến đa phần các tài xế đã uống rượu bia là không dám cầm lái. Bởi ai cũng lo bị xử phạt mức cao, tước bằng lái, giữ xe... nếu thổi vào máy đo cho kết quả vi phạm nồng độ cồn.
Trong nhiều băn khoăn của người dân liên quan đến việc xử lý nồng độ cồn có vấn đề khá nổi cộm: Xử lý như thế nào trong trường hợp không uống rượu, bia mà máy đo vẫn hiển thị thông số nồng độ cồn. Người dân cần phải làm gì để chứng minh, để không bị xử phạt trong trường hợp ấy.
Về vấn đề này, luật sư tư vấn rằng, nếu đúng là không uống rượu, bia mà kết quả vẫn báo là vi phạm nồng độ cồn thì người dân có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất sẽ có kết quả chính xác.
Căn cứ Điều 4 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định cơ sở y tế được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi đủ các điều kiện sau đây:
Có khoa xét nghiệm hoặc phòng xét nghiệm hoặc bộ phận xét nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật định lượng nồng độ cồn trong máu.
Có máy sinh hóa xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, thiết bị bảo quản và lưu mẫu máu xét nghiệm.
Có cán bộ xét nghiệm đã có văn bằng đào tạo hoặc giấy chứng nhận về chuyên ngành xét nghiệm, nắm vững được quy trình xét nghiệm định lượng nồng độ cồn trong máu.
Nếu kết quả xét nghiệm trong máu không có nồng độ cồn thì người tham gia giao thông sẽ không bị lập biên bản vi phạm.