Sức xuân phơi phới trên những vùng nông thôn mới
Những điểm nhấn nổi bật
Theo Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, tính đến hết năm 2018, toàn thành phố có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh và Thanh Trì; có thêm 4 huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền thẩm định xét duyệt, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến hết tháng 11/2018, Hà Nội có 297/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 76,9%), số tiêu chí bình quân đạt và cơ bản đạt 18,19 tiêu chí/xã. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Nói về công tác xây dựng nông thôn mới của Thủ đô Hà Nội trong năm 2018, bà Hoàng Thị Huyền, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, cho biết: “Công tác xây dựng nông thôn mới của Hà Nội trong năm vừa qua có nhiều thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 2%. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng được chú trọng; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định...”.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, kiểm tra việc thực hiện chương trình nông thôn mới ở huyện Gia Lâm
Đạt được kết quả tích cực trên là do công tác xây dựng nông thôn mới của Thủ đô đã có được nhiều điểm nhấn, cụ thể là: ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo bà Hoàng Thị Huyền, năm 2018, Hà Nội đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, nhờ đó cho năng suất sản phẩm vượt trội, giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, toàn thành phố có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có nhiều mô hình điển hình, đem lại giá trị kinh tế cao như: Nhà máy sản xuất Nấm Kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH XKN Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, Mỹ Đức; Mô hình sản xuất rau thủy canh của HXT Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, Gia Lâm; Mô hình sản xuất giống và hoa Lan Hồ điệp của HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng,...
Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất trồng trọt cũng được tăng cường. Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cũng được thành phố chú trọng. Đặc biệt, công tác dồn điền đổi thửa được triển khai hiệu quả, góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng… cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, trong năm 2018 vừa qua, Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền huy động các nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn vốn ngân sách các cấp, vốn xã hội hóa, Hà Nội còn vận động các quận nội thành hỗ trợ kinh phí các huyện ngoại thành xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2016 đến nay 12/12 quận thuộc thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 379,9 tỷ đồng.
Sáng tạo, thống nhất cao trong chỉ đạo
Với nhiều thành tích nổi bật trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân nên Hà Nội luôn được cả nước biết đến là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Một trong số những bí quyết đó chính là sự sáng tạo, thống nhất cao trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Chia sẻ về những kinh nghiệm bước đầu trong công tác chỉ đạo, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới của Thủ đô Hà Nội thời gian qua, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết: “Công tác xây dựng nông thôn mới của Thủ đô ghi nhận được nhiều thành quả như hiện nay là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở; sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Chương trình, UBND thành phố, các Sở, ngành. Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã và các địa phương đã thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra”.
Theo ông Chu Phú Mỹ, trong giai đoạn vừa qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ chuyên trách lĩnh vực xây dựng nông thôn mới. Trình độ lý luận và thực tiễn của cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ thành phố đến cơ sở được nâng lên rõ rệt, nhân dân tin tưởng vào đường lối, lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, kiểm tra việc thực hiện chương trình nông thôn mới ở huyện Sóc Sơn
Đặc biệt, xác định công tác xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng của Thành phố nên thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện, động viên tinh thần để người dân phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới. Song song với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy luôn đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, tiếp tục tăng cường huy động nội thành hỗ trợ ngoại thành và sự góp sức của cộng đồng, dân cư.
Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội nhấn mạnh: “Công tác bố trí và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có vai trò quyết định đến kết quả xây dựng nông thôn mới. Những nơi cán bộ năng lực yếu, mất đoàn kết, thiếu gương mẫu, tâm lý ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm cần kịp thời luân chuyển, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực để chỉ đạo, tổ chức thực hiện”.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu
Định hướng mục tiêu phát triển nông thôn mới trong giai đoạn tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; đặc biệt cần tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về xây dựng nông thôn mới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Trong năm 2019, phấn đấu có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, các địa phương cần nhanh chóng triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 4212 ngày 20/8/2018 của UBND thành phố và triển khai thực hiện Đề án Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 của Hà Nội.
Về nhiệm vụ nâng cao đời sống nông dân đến năm 2020, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề; chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác; thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa gắn với việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng nên Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo để có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nhiệt tình, gương mẫu, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của mỗi người dân. Với nỗ lực và quyết tâm cao trong chỉ đạo của Thành ủy, HÐND, UBND cùng sức mạnh niềm tin của nhân dân được nâng cao, thời gian tới Hà Nội sẽ tạo được kỳ tích mới, tiếp tục dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội XVII Ðảng bộ TP Hà Nội.