Sơ cứu sai cách người đột quỵ có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề
Đột quỵ cũng là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư trên toàn thế giới, đứng hàng đầu về tàn tật ở người trưởng thành, là thảm họa cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, là gánh nặng kinh tế cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa thật sự hiểu biết về căn bệnh đột quỵ, có bệnh lý nền nhưng không kiểm tra sức khỏe thường xuyên và khi bị đột quỵ thì sơ cứu ban đầu không đúng khiến người bệnh bị những biến chứng nặng.
Bác sĩ Trần Xuân Nhã - Khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã từng tiếp nhận một bệnh nhân bị đột quỵ, người nhà sơ cứu ban đầu bằng cách dùng vật sắc nhọn đâm vào 10 đầu ngón tay khiến máu chảy ồ ạt, không cầm máu được, khi chuyển đến bệnh viện mới biết bệnh nhân bị rối loạn đông cầm máu rất nặng. Mặc dù được truyền máu liên tục nhưng bệnh nhân vẫn tử vong”.
Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng đột quỵ nặng do chủ quan không kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh lý nền. |
Ngoài ra, theo bác sĩ Nhã nhiều người có triệu chứng yếu người, nói khó… nhưng gia đình không đưa đến bệnh viện ngay lập tức mà tự ý cho bệnh nhân uống những loại thuốc kháng các loại tiểu cầu, thuốc chống đông hoặc thuốc aspirin. Sau nhiều ngày thì bệnh nhân bị loét dạ dày, có trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết não diện rộng khiến việc điều trị khó khăn hơn gấp bội, thậm chí mất thời gian vàng để cứu sống người bệnh.
Để hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cũng như các biến chứng do đột quỵ, bác sĩ Nhã khuyến cáo, khi có các dấu hiệu như méo miệng, khó nói, líu lưỡi, nói ngọng hoặc thụt lưỡi, tay cầm nắm không được, lơ mơ, chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, không giữ được thăng bằng, dễ té ngã… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức để không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong cấp cứu người bị đột quỵ. Tuyệt đối không tự ý sơ cứu hoặc cho dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Với những người cao tuổi, nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm loại trừ những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, rung nhĩ... Đặc biệt, với những nhóm người hút thuốc lá, uống bia rượu, dùng các chất kích thích; người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp tầm soát bệnh càng sớm càng tốt để ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Ngoài ra, người dân nên tăng cường vận động, tham gia các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp. Không ăn nhiều mỡ, đồ ngọt, tinh bột; hạn chế muối; nên ăn nhiều rau, củ, quả, bổ sung vitamin… để kiểm soát cân nặng, đường huyết, tránh tăng cân, béo phì. Tránh stress, xúc động, đi ngủ đúng giờ để giữ tinh thần luôn minh mẫn.
Nguy cơ đột quỵ và biến chứng tim mạch khi trời trở lạnh Mới đây, các bác sĩ BVĐK tỉnh Tuyên Quang vừa can thiệp tim mạch thành công cho bệnh nhân N.M.H ở Yên Sơn, Tuyên Quang. |
Bác sỹ Việt Nam cấp cứu thành công bệnh nhân đột quỵ tại Sudan Các y, bác sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 Việt Nam đã cấp cứu thành công một ca nghi ngờ đột quỵ ... |
Người già ùn ùn nhập viện, bác sĩ khuyên cần giữ ấm, tránh nhiễm lạnh đột ngột Số lượng bệnh nhân nhập viện tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương những ngày gần đây tăng đột ... |